Nội dung liên quan Tin Trong Nước, Xã Ngọc Hồi, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội
Báo Dân Trí,
"Giải trình rõ lý do không chọn xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 250km/h"
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
07:22:50 01/10/2024
theo đường link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/giai-trinh-ro-ly-do-khong-chon-xay-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-250kmh-20241001070646720.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ hiện đại và giải trình rõ lý do không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h. Nội dung này được đề cập trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sau cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ cao, hiện đại… và giải trình rõ hơn lý do tại sao không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h. Ảnh đồ họa: AI. Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT cần bổ sung rõ các luận cứ để chứng minh cần thiết phải xây dựng toàn bộ tuyến, không phân kỳ theo từng đoạn như Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu phân tích dựa trên hiệu quả đầu tư giữa phương án đầu tư toàn tuyến so với phương án phân kỳ; trường hợp đầu tư phân kỳ từng đoạn có bảo đảm tính kết nối, đồng bộ hay không? "Quan điểm vận tải hành khách là chủ yếu, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, thông qua phương án khai thác, điều độ tàu", thông báo kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ. Ông đồng thời nhấn mạnh cần phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; có cơ chế chính sách đặc thù để huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án và kêu gọi các thành phần khác tham gia đầu tư một số hạng mục Dự án. Về đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, cần xem xét hiệu quả tổng thể của nền kinh tế khi có đường sắt tốc độ cao và đánh giá hiệu quả vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao, theo Phó Thủ tướng. "Việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, ông lưu ý phát triển nguồn nhân lực cần tính toán đi trước một bước. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án phát triển nguồn nhân lực (sử dụng ngân sách Nhà nước) để tiếp nhận công nghệ từ xây dựng phát triển hạ tầng, cơ khí, chế tạo, quản lý khai thác và điều hành đường sắt tốc độ cao. Trong triển khai, lãnh đạo Chính phủ cho rằng có thể nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tham gia tiếp nhận, nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí, chế tạo, tự động hóa. Hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao được yêu cầu "thẳng nhất có thể". Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần hoàn thiện và báo cáo Chính phủ trước ngày 7/10, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng. Dự kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ sẽ xem xét thông qua báo cáo này trước khi hoàn thiện tờ trình trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án. Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội, là tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM, là ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM. Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.535mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.