Nội dung liên quan Huyện Tương Dương, Tỉnh Nghệ An, Việt Nam
Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,
"Gieo mầm tri thức" nơi miền Tây xứ Nghệ - Bài 3: Những "mầm non" đâm chồi trên vùng đất khó
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
06:45:48 28/09/2024
theo đường link
https://phunuvietnam.vn/gieo-mam-tri-thuc-noi-mien-tay-xu-nghe-bai-3-nhung-mam-non-dam-choi-tren-vung-dat-kho-20240924001011859.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Minh Châu Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh trong ngày khai giảng Lượng Minh là xã đặc biệt khó khăn ở huyện Tương Dương (Nghệ An), tại nhiều bản số hộ nghèo chiếm đại đa số. Dễ hiểu khi có điểm trường gần 100% học sinh là con em của gia đình nghèo. Thế nhưng, vượt qua hoàn cảnh, những bước chân bé nhỏ vẫn cần mẫn trèo đèo, lội suối để đi tìm "con chữ" với ước mơ về một tương lai bay xa. Đã là học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh (PTDTBT THCS) nhưng cô bé Chích Thị Đinh Đang (SN 2012) gầy đét, bé xíu như học sinh lớp 3. Nhà Đang ở bản Chẳm Puông, là bản nghèo nhất xã, nơi 190 hộ dân chỉ có 12 hộ thoát nghèo. Cũng như nhiều gia đình người Khơ Mú nơi đây, nhà bé Đang rất nghèo, lại đông con, Đang là con thứ 7 trong gia đình có 8 chị em gái. "Nhà em không có xe máy, mỗi lần ra trường, em được chú chở ra trường ở nội trú, 2 tuần về nhà 1 lần. Em của em học lớp 4 và cũng ở nội trú. May mắn, chúng em được Nhà nước nuôi ăn học, nếu không sẽ phải bỏ học vì nhà rất nghèo", bé Đang chia sẻ. Cũng như Đang, Lữ Thị Thúy Vân và Moong Thị Vân Anh là đôi bạn thân đến từ bản Chẳm Puông. Thúy Vân là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Bố mất cách đây 3 năm nên một mình mẹ Vân phải tần tảo nuôi đàn con nhỏ dại. Hoàn cảnh khó khăn nhưng Vân vẫn quyết tâm đi học với hy vọng sau này sẽ "thoát ly", có được công việc tốt, giúp đỡ gia đình và bản thân có tương lai tươi sáng. Những học sinh nữ người Khơ Mú đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh Trong khi đó, mẹ Vân Anh nhiều năm nay đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có người bố chăm sóc con. Không có mẹ bên cạnh, Vân Anh tự lập từ rất sớm. Năm nay lên lớp 6 và phải đến nội trú tại ngôi trường mới nhưng Vân Anh nói rằng, em không hề thấy xa lạ, ngược lại rất háo hức. "Em đã xa nhà học nội trú từ năm lớp 3, năm nay lên cấp THCS phải đi xa hơn nhưng không bỡ ngỡ. Em sẽ cố gắng học thật tốt để bố mẹ vui", Vân Anh chia sẻ. Đòi hỏi trách nhiệm cao ở giáo viên Thầy giáo Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lượng Minh - cho biết, hầu hết học sinh tại trường đều có hoàn cảnh khó khăn bởi Lượng Minh là một trong những xã khó khăn nhất huyện Tương Dương. Nơi đây từng có nhiều năm bị tệ nạn ma túy "tàn phá" nên hệ lụy vẫn để lại đến ngày hôm nay. "Rất nhiều em có gia cảnh gia đình hết sức éo le. Có em bố đi tù, có em mất mẹ vì ma túy, có em mất cả bố mẹ giờ ở với ông bà… Song, rất mừng là hiện nay các em trong độ tuổi đều đã đến trường đi học. Tuy nhiên, nhận thức của đa số phụ huynh học sinh còn thấp, việc tuyên truyền rất khó, riêng sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh gần như không có nên đòi hỏi trách nhiệm ở mỗi giáo viên rất cao", thầy Thái chia sẻ. Các em học sinh người Thái, Khơ Mú được ví như những "mầm non" đang đâm chồi nảy lộc trên vùng đất khó Lượng Minh Để đến trường đi học, đối với nhiều em học sinh ở Lượng Minh được xem là kỳ tích, bởi ngoài hoàn cảnh gia đình, do đặc thù về vị trí địa lý nên đi lại rất vất vả, đặc biệt là học sinh ở 2 bản Cà Moong và Xốp Cháo. "Để thứ 2 đi học, chúng em phải đi từ Chủ nhật. Đầu tiên là đi bộ xuống bến thuyền ở hồ thủy điện bản Vẽ, sau đó đi đi thuyền mất 20 nghìn đồng và chặng cuối đi xe lai (xe ôm) mất thêm 40 nghìn nữa để đến trường", em Moong Thị Thảo chia sẻ. Thảo năm nay lên lớp 8, em gái của Thảo - Moong Thị Lan - lên lớp 3. Với Thảo, việc xa bố mẹ đã quen nhưng với Lan, đây là năm đầu tiên bé phải xa nhà đến Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh để học do điểm trường ở bản chỉ có hai khối lớp 1 và 2. Vì còn nhỏ, lại không có bố mẹ bên cạnh nên những học sinh lớp 3 như bé Lan phải nhờ vào sự giúp đỡ của các thầy cô ở trường rất nhiều. "Năm nay bản Cà Moong có 29 bạn đi học ở Trường PTDTBT THCS Lượng Minh. Mỗi lần đi, về, chúng em phải mất ít nhất là 3 tiếng đồng hồ. Xa xôi cách trở nhưng vì có nhiều bạn nên cũng rất vui. Chị gái của em cũng đã học xong lớp 9 rồi đi làm nhưng em muốn học lên cấp 3 và có thể cao hơn nữa", em Ốc Thị Thìn tâm sự. Với những học sinh đặc biệt khó khăn, nhà trường và chính quyền địa phương luôn giúp đỡ tận tình để các em theo đuổi ước mơ của mình Học sinh trường PTDTBT THCS Lượng Minh được Nhà nước hỗ trợ 100% từ học phí đến chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, gạo hàng tháng, thế nhưng để học sinh đủ duy trì sinh hoạt, học tập trong 1 tháng, các thầy cô phải "đong đếm" rất tỉ mỉ bởi sự "hỗ trợ" vật chất từ gia đình là rất ít, thậm chí không có. Hướng nghiệp cho học sinh Trường PTDTBT THCS Lượng Minh được thành lập và xây dựng từ năm 2016. Theo thầy Thái, kể từ khi có ngôi trường bán trú này, giáo dục ở Lượng Minh đã "chuyển mình" thật sự. Trước đây, hầu hết học sinh chỉ học đến cấp tiểu học, lên bậc học THCS thì bỏ học giữa chừng. Hiện tại, các em trong độ tuổi đều đã học lên cấp THCS và nhiều em vào cấp THPT, đặc biệt hiện nay đang có 3 khóa học sinh sau tốt nghiệp THCS và đang theo học chương trình THPT kết hợp với Cao đẳng nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hướng nghiệp cho các em học sinh là điều vô cùng quan trọng, bởi vậy suốt những năm qua, thầy Thái liên tục đi về giữa Tương Dương và TP Vinh để tìm "hướng đi" cho các học sinh của mình. Tùy theo năng lực học tập của mỗi em, thầy Thái sẽ có "hướng đi" cho từng em một cách phù hợp. Có em sẽ học lên cấp THPT nhưng cũng có em sẽ vào luôn trường nghề. Em Lữ Thị Thúy Vân và Moong Thị Vân Anh trong ngày tựu trường Xác định tầm quan trọng của giáo dục như vậy nên Ban giám hiệu trường PTDTBT THCS Lượng Minh cũng như các cấp, ngành địa phương đang rất nỗ lực để nâng bước học sinh nơi vùng khó này. "Các em như những chồi non, được đến trường, được sự quan tâm chỉ bảo của giáo viên, rồi đây các em sẽ là những cây đời vững chãi", thầy Thái tin tưởng. Cũng theo thầy Thái, mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú đã giúp cho nhà trường thực hiện tốt phương châm "3 tập trung" (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), "6 hơn ở nhà" (ăn ngon hơn, ở tốt hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, học tập tốt hơn) và "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Với sự quyết tâm của nhà trường và các cấp ngành ở địa phương, những năm qua, nhiều học sinh ở Lượng Minh đã trưởng thành, nhiều em đã có cơ hội phát triển thông qua mô hình liên kết với các trường nghề mà thầy Thái đã dày công xây dựng. "Mỗi học sinh bỏ học luôn khiến những người làm thấy như tôi day dứt, ngược lại chứng kiến nhiều em trưởng thành, chúng tôi cũng vô cùng hạnh phúc. Dẫu biết, giáo dục trên mảnh đất khó này sẽ rất gian truân nhưng chúng tôi đã và đang có những bước tiến rất vững chắc và phù hợp. Lượng Minh có vươn lên, vươn xa hay không, tất cả đang trông chờ vào những lứa học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì sứ mệnh cao cả đó, chúng tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa", thầy Thái cho hay. (Còn nữa)