Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

"Nhà cháo" hỗ trợ người bệnh hoàn cảnh khó khăn có suất ăn ấm lòng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:16:06 26/09/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/nha-chao-ho-tro-nguoi-benh-hoan-canh-kho-khan-co-suat-an-am-long-20240830173332622.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hoàng Duy
Nhóm “Mùa thu và những người bạn” phát cháo tại cổng Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội)
Từng bị một số chủ cửa hàng bán đồ ăn ở cổng bệnh viện thuê “đầu gấu” đến đuổi vì phát cháo miễn phí nhưng chị Thành Thị Thu Lương cùng các thành viên nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” vẫn kiên trì hỗ trợ người bệnh hoàn cảnh khó khăn có suất ăn ấm lòng.
Từ nhỏ, chị Thành Thị Thu Lương (SN 1976, ở quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) luôn mong muốn có thể làm điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, chị Thu Lương gặp được những người bạn có cùng chí hướng và Nhóm thiện nguyện "Mùa thu và những người bạn" ra đời.
Ban đầu nhóm chỉ có 3 thành viên nhưng đến nay nhóm đã có 214 thành viên, thực hiện phát cháo ở 12 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Thời điểm bắt đầu, nhóm phải nấu ăn nhờ tại khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương. Cháo sau khi nấu xong được nhóm phát ở cổng bệnh viện. Thời gian đầu, nhóm chỉ phát cháo vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, vì là ngày nghỉ nên không ảnh hưởng đến việc ở cơ quan. Khi số thành viên tăng dần, chị Lương tổ chức chia thành nhiều nhóm: Nhóm chuẩn bị, nhóm nấu, nhóm vận chuyển, nhóm phát cháo và nhóm rửa dọn.
Hàng tuần, các thành viên của nhóm sắp xếp công việc và đăng ký thời gian tham gia. Thành viên đang đi làm ở các cơ quan, công ty thì sẽ tham gia vào buổi tối, ngày cuối tuần còn thành viên đã về hưu hoặc người có thời gian làm việc linh hoạt có thể tham gia vào ban ngày.
Năm 2018, chị Nhung, một thành viên của nhóm, đã dùng ngôi nhà của mình ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phục vụ cho các hoạt động thiện nguyện của nhóm. Có địa điểm cố định, nhóm đã vận động gây quỹ mua 5 chiếc nồi nấu cháo.
Tổ nấu cháo được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cháo được chở đến bệnh viện bằng ô tô thay vì xe máy như trước kia. Để duy trì quỹ cho các hoạt động, ngoài vận động nguồn lực từ các thành viên, nhóm đã bán nhiều mặt hàng để gây quỹ.
Chị Thành Thị Thu Lương (thứ 2 từ trái sang), Trưởng nhóm “Mùa thu và những người bạn”, trong một hoạt động thiện nguyện
Các thành viên của nhóm khi tham gia đều được sự ủng hộ của gia đình. Trong nhóm có nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia. "Đến với Nhà cháo, mọi người cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì việc làm của mình giúp được nhiều người vượt qua khó khăn của cuộc sống", chị Thu Lương chia sẻ.
Theo chị Lương, trong quá trình phát cháo ở các bệnh viện, nhóm được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp chị Thắm ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một trong những trường hợp khá đặc biệt. Chị Thắm bị ung thư, 4 năm đều đặn nhận cháo của nhóm ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nhưng nhóm không biết hoàn cảnh của chị.
Năm 2020, nhóm có chương trình tặng quà cho người khiếm thị ở huyện Gia Lâm và gặp chị ở đó. Sau khi tìm hiểu mới biết chị Thắm sống cùng mẹ già bị lòa mắt. Hằng tuần chị phải đi bệnh viện để truyền hóa chất, người mẹ ở nhà không có người chăm sóc, nhà cửa dột nát...
Nhóm đã vận động sửa nhà giúp chị Thắm và tìm người chăm sóc mẹ của chị lúc chị Thắm đi bệnh viện. Sau hơn 1 năm, chị Thắm trở bệnh nặng. Trước lúc mất, chị Thắm vẫn tỉnh táo và nói: "Tôi biết ơn cô Lương, biết ơn nhóm rất nhiều, mong mọi người bình an, khỏe mạnh".
Hiện nay, nhóm thiện nguyện "Mùa thu và những người bạn" đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội cộng đồng. Nhóm là thành viên của Foodbank Việt Nam, có kho thực phẩm để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người yếu thế ở các tỉnh miền Bắc.
Nhóm duy trì phát cháo mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 3.000 suất cháo tại các bệnh viện ở Hà Nội. Ngoài việc phát cháo định kỳ cho người bệnh, nhóm còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện khác.
Đến nay, nhóm đã xây được 7 điểm trường ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La; xây 5 nhà cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hằng tháng cho hơn 100 địa chỉ nhân đạo.
Sao chép thành công