Báo Công An Nhân Dân,

"Trợ lực" cho người chấp hành xong án phạt tù

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:12:40 28/09/2024 theo đường link https://cand.com.vn/Xa-hoi/tro-luc-cho-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-i745474/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sau hơn một năm triển khai Quyết định số 22/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ "Về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù", Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thanh Hoá đã giải ngân cho 356 người vay với số tiền 32 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn "trợ lực", "cứu cánh" cho những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, góp phần đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH Thanh Hoá, hiện nay ngân hàng đã giải ngân số tiền gần 1,2 tỷ đồng cho 16 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn TP Thanh Hoá vay vốn, sử dụng vốn phát huy hiệu quả kinh tế.
Một buổi chiều cuối tháng 9/2024, nhờ sự khâu nối của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi đến tham quan xưởng sản xuất đá của anh Trương Đình Ph. (SN 1987), phố Tây Sơn, phường An Hưng, TP Thanh Hoá. Thời điểm chúng tôi có mặt, tiếng kêu của các loại máy mài đá rền vang cả một vùng, gần 20 công nhân của anh Ph. đang thực hiện gia công, cắt, xẻ, mài, tạo hình… cho các sản phẩm đá tự nhiên. Đây là một trong những cơ sở sản xuất có sử dụng vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù của NHCSXH tỉnh Thanh Hoá.
Anh Trương Đình Ph. mong muốn được vay vốn nhiều hơn để phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đá mỹ nghệ.
Anh Trương Đình Ph., chủ xưởng sản xuất đá cho biết, để đầu tư ban đầu cho xưởng đá này gia đình anh phải bỏ ra 600-700 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị. Các sản phẩm đá chế biến tại xưởng là đá lát sân, vườn, đá mỹ nghệ cho các khu lăng mộ… rất đa dạng. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó, không có hàng tồn đọng lâu. Những công nhân làm việc tại đây, hằng tháng anh Ph. trả lương cho họ từ 8 - 9 triệu đồng/ người. "Đầu tư cho sản xuất đá tốn rất nhiều kinh phí, trong khi nguồn vốn vay từ NHCSXH cho người chấp hành án đang còn thấp. Chúng tôi mong muốn được ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với những người có nhu cầu đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh", anh Ph. bày tỏ.
Bà Phan Thị Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hưng cho biết: "Sau khi các đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương, từ danh sách thống kê của Công an cung cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường sẽ tiếp cận tuyên truyền, vận động mục đích, ý nghĩa của Quyết định 22. Qua đó, nếu ai có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ làm hồ sơ, thủ tục bình xét từ thôn, xóm, tổ vay vốn, sau đó gửi lên UBND phường xác nhận, rồi gửi NHCSXH duyệt hồ sơ, giải ngân vốn. Đến nay, địa bàn phường có 3 đối tượng chấp hành xong án phạt tù đang được vay vốn từ NHCSXH, các đối tượng sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả", bà Loan cho biết thêm.
Là địa bàn rộng, đông dân cư, đến nay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hoằng Hoá đã giải ngân cho 31 đối tượng vay vốn từ Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hoằng Hoá cho biết: Đối với nguồn vốn vay từ Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, tuỳ theo nhu cầu vay của các đối tượng nhưng cao nhất là 100 triệu đồng, lãi suất là 6,6%/năm, thời hạn cho vay là 5 năm. Đây là nguồn vốn ưu đã cho người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế nên lãi suất thấp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh người tái hoà nhập cộng đồng. Hiện tại, các trường hợp vay vốn đều tuân thủ các quy định của pháp luật, sử dụng vốn đúng mục đích, vốn vay phát huy hiệu quả cao, ông Sơn cho biết thêm.
Gia đình anh Nguyễn Thọ Th. (SN 1980), ở xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hoá đang phát huy hiệu quả nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hoằng Hoá. Anh Th. cho biết, sau khi vợ anh chấp hành xong án phạt tù (5,5 năm), gia đình nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và NHCSXH huyện Hoằng Hoá làm xét duyệt hồ sơ cho vay vốn phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay này, gia đình anh Th. mua thêm cốp pha sắt rồi cho các công trình xây dựng đổ bê tông. Ngoài việc trả lương hàng tháng cho 18 công nhân (300.000 - 400.000đ/ngày/người), bình quân mỗi tháng gia đình anh Th. thu nhập từ 40 - 50 triệu/ tháng.
Sau khi chấp hành xong bản án 6 năm tù vì liên quan đến lĩnh vực kinh tế, anh Hoàng Ngọc Ph. (SN 1981), ở xã Hoằng Đồng trở về quê, thầu lại hơn 2.000m2 đất của xã làm trang trại chăn nuôi gia cầm, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH, anh Ph. mạnh dạn đầu tư thêm 7 con lợn nái, hiện một con đã sinh những con còn lại đang mang thai. Ngoài lợn nái, anh Ph. còn nuôi thêm lợn thịt, gà, cá…
Để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận các nguồn vốn vay, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá đều tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề. Tại các hội nghị này, có sự tham gia của Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa phổ biến các quy định của pháp luật và một số vấn đề pháp lý thường gặp trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; đại diện Chi nhánh NHCSXH tỉnh tư vấn về hồ sơ, thủ tục vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm đào tạo nghề; đại diện các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động tư vấn, giới thiệu thêm nhiều thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động… để người tái hoà nhập cộng đồng nắm bắt, tìm kiếm cơ hội việc làm.
Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, hằng năm tỉnh Thanh Hóa có trung bình gần 2.000 người chấp hành án trên toàn quốc được đặc xá, chấp hành xong án phạt từ trở về cư trú, sinh sống trên địa bàn. Để hỗ trợ và giúp đỡ những người này tái hòa nhập cộng đồng, hiện nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã có mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, hoạt động có hiệu quả. "Đây là cầu nối quan trọng giữa các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp và những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, được tiếp cận các thông tin về tuyển dụng, tư vấn định hướng giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để lựa chọn công việc phù hợp, góp phần phòng ngừa tái phạm tội".
Sao chép thành công