Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Sai phạm tại dự án Kanglongda Huế: Doanh nghiệp cố tình “chây ì” chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:16:31 24/09/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/sai-pham-tai-du-an-kanglongda-hue-doanh-nghiep-co-tinh-chay-i-chi-tra-tien-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-post390920.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu công ty thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân nhưng Công ty Kanglongda vẫn cố tình “chây ì” không trả.
Không chỉ để xảy ra hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy chữa cháy, dự án của Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam (có địa điểm tại Lô CN-5, Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), còn có các sai phạm liên quan đến sử dụng lao động người nước ngoài, chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
“Chây ì” không chi trả 8,7 tỷ đồng
Năm 2022, UBND huyện Phong Điền đã có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện việc xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Nhà máy Kanglongda Huế với giá trị hơn 8,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam cố tình "chây ì" trong việc chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Theo đó, chính quyền địa phương đã giải phóng mặt bằng hơn 16,5 hecta đất của các hộ dân thuộc huyện Phong Điền để giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau đó Công ty Kanglongda không thực hiện việc chuyển kinh phí bồi thường theo như cam kết, thỏa thuận ban đầu.
Từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phong Điền đã có nhiều văn bản “đốc thúc”, yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển kinh phí để chi trả cho người dân.
Trong văn bản số 573 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 4.3.2024 đề nghị công ty chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự án. Trong đó, ngoài số tiền 8,7 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng thì doanh nghiệp này phải trả phí chậm chi trả kinh phí bồi thường với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 29.2.2024).
Tuy nhiên, trong văn bản gửi các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế do Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam Lu Jian Gen ký thì doanh nghiệp này chỉ chấp nhận chi trả số tiền 8,7 tỷ đồng. Đồng thời, cam kết sẽ chuyển khoản kinh phí này
Còn đối với khoản “tiền phạt” do chậm chi trả, ông Lu Jian Gen cho rằng, trong các văn bản trước đó của chính quyền địa phương không đề cập đến thời gian yêu cầu phải chi trả hoàn thành và không đề cập đến thời gian sẽ bắt đầu tính phí chậm chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ nên Công ty không đồng việc trả kinh phí.
“Đau đầu” với sự chây ì của doanh nghiệp
Theo tìm hiểu, vào cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo “kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương tại buổi làm việc của Đoàn công tác với Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam liên quan đến công tác vận hành nhà máy Kanglongda Huế”
Dự án nhà máy Kanglongda Huế xảy ra nhiều sai phạm chưa được khắc phục
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu doanh nghiệp này phải chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng ngay trong tháng 9 năm 2024.
Chiều ngày 20.9, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân , Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hồ Đôn cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam vẫn chưa thực hiện chuyển kinh phí để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án theo quy định. Dù trước đó công ty này đã cam kết sẽ chuyển trước ngày 30.5.2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định cũng như pháp luật Việt Nam. Việc doanh nghiệp chậm chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng giải tỏa. Những hộ dân này cũng đã nhiều lần có đơn thư yêu cầu được sớm nhận kinh phí bồi thường.
“UBND huyện cũng như các ban ngành chức năng đã gửi đi rất nhiều văn bản cũng như tại các buổi làm việc với công ty đều đưa ra yêu cầu sớm chuyển khoản kinh phí bồi thường, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện”, ông Đôn nói.
Trong quá trình triển khai dự án nhà máy Kanglongda Huế, doanh nghiệp này đã bị phát hiện thi công một loạt công trình không phép như: Kho hàng, ký túc xá, căng tin, nhà để xe, nhà lò hơi 75 tấn, nhà lò hơi 130 tấn, kho than, nhà xử lý nước thải, các nhà xưởng, dây chuyền hàng… Dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng ở giai đoạn 1 nhưng khi chuyển sang xây dựng giai đoạn 2, doanh nghiệp này lại tiếp tục sai phạm.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.
Tấn Tài
Sao chép thành công