Báo điện tử VOV,

Sản phẩm OCOP du lịch khó hình thành tại Đắk Lắk

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:13:37 28/09/2024 theo đường link https://vov.vn/du-lich/san-pham-ocop-du-lich-kho-hinh-thanh-tai-dak-lak-post1124152.vov
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Từ đầu năm 2023, theo Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thế nhưng, do thiếu sự phối hợp, liên kết cần thiết, sau hơn 1 năm rưỡi triển khai, Đắk Lắk vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP du lịch nào.
Thời gian qua, Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Phú Nông – Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực liên kết các thành viên hình thành cộng đồng phát triển du lịch ngay chính mảnh đất quê hương mình. Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ như: Hệ sinh thái rừng khộp Vườn Quốc gia Yok Ðôn, thắng cảnh trên dòng sông Sê-rê-pốk thơ mộng, hệ thống sông, suối, hồ, thác nước, núi rừng đa dạng, văn hoá, ẩm thực các dân tộc phong phú,.. hợp tác xã đã tận dụng thế mạnh này để phát triển du lịch. Đến nay, nhiều mô hình của các thành viên hợp tác xã đã được du khách biết đến.
Với 49 dân tộc cùng chung sống, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng trong phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá các dân tộc
Tuy nhiên, để xây dựng thành các sản phẩm du lịch theo chương trình OCOP, Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Phú Nông – Buôn Đôn, còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề quy hoạch.
Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là vướng trong quá trình đầu tư và phát triển, do chậm quy hoạch các vùng phát triển du lịch. Ví dụ như chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ hoặc là hướng dẫn để sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, do vậy kéo dài thời gian nên chậm tiến độ trong quá trình đầu tư và phát triển mô hình du lịch nông thôn”.
Làng gốm cổ Yang Tao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk được nhiều người biết đến từ hoạt động du lịch cộng đồng
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, bộ tiêu chí đánh giá của nhóm sản phẩm OCOP du lịch được quy định cụ thể, rõ ràng, song không phải dễ để xây dựng. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, cố vấn chương trình OCOP quốc gia, cái khó nhất là vì sản phẩm có tính liên ngành. Bởi vậy, dù Đắk Lắk còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng sẽ rất khó thành công nếu không có sự phối hợp đồng bộ và căn cơ giữa các ngành liên quan.
“Chương trình mỗi xã một sản phẩm do ngành nông nghiệp phát triển nông thôn chịu trách nhiệm, nhưng sản phẩm của nó không chỉ là của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, mà gồm cả sản phẩm du lịch. Cho nên đơn thương độc mã tự làm thì sẽ rất là khó. Hàng năm ngành du lịch cũng làm rất nhiều. Nếu như hợp tác tốt với nhau thì sản phẩm du lịch ở đây sẽ phát triển. Trong thực tế đã có rất nhiều sản phẩm du lịch mà khai thác giá trị bản địa ở Đắk Lắk, nhưng vì chưa được nhìn nhận nên chưa có sự hợp tác", PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết.
Du khách thích thú khi tìm hiểu về văn hoá Tây Nguyên
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có khoảng 17 buôn, làng có thể khai thác các yếu tố đặc trưng gắn với phát triển du lịch OCOP. Tuy nhiên, tỉnh chưa xây dựng được sản phẩm OCOP du lịch, bởi lẽ loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Đắk Lắk đang nỗ lực vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
“Các cơ quan chức năng phải có nhiều chương trình hướng dẫn để các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con ở các địa phương, nhất là ở những vùng có tiềm năng du lịch thấy được những lợi thế và xây dựng được thành những sản phẩm du lịch là sản phẩm OCOP để phát huy có hiệu quả hơn những dư địa tiềm năng này”, ông Nguyễn Hoài Dương nói.
Việc Đắk Lắk phát triển du lịch gắn với chương trình OCOP sẽ góp phần nâng tầm các sản phẩm du lịch, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp cộng đồng ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Sao chép thành công