Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Bão số 3 cùng những đợt mưa hoàn lưu là "bài kiểm tra" của thiên nhiên với hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dù vẫn vững vàng nhưng một số công trình thủy lợi, quai đê có hiện tượng xói mòn, cần được gia cố để tiếp tục ứng phó trước những biến đổi khó lường của thời tiết.
Mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 làm mực nước sông Hà Thanh (huyện Tiên Yên) dâng cao kết hợp lũ lớn từ thượng nguồn đổ về gây xói mòn và vỡ 50m đập đất của công trình thủy lợi thôn Nà Bấc, xã Đông Hải. Nước lũ nhấn chìm nhà cửa của khoảng 400 hộ dân Nà Bấc, Hà Tràng Đông, Hà Tràng Tây, cuốn trôi nhiều tài sản và xóa sổ cánh đồng rau sạch thôn Nà Bấc...
Chị Lâm Thị Đặng cho biết: Một tháng sau lũ, người dân thôn Nà Bấc vẫn như vừa trải qua cơn ác mộng: "Như mọi khi, nước chỉ ngập đến sau nhà là rút nhưng hôm đó nước dâng nhanh quá. Hai vợ chồng cứ dọn đồ ở nhà, chạy không kịp mới đi lên đồi. Tất cả ở đây thành bãi đá trắng tinh như bãi đá ngoài sông. Lúc ấy chân tay bủn rủn hết, chỉ biết tìm 3 đứa con. Bây giờ nước ngập tới bụng rồi, mọi người nói vỡ đê thì không ai dám ở lại".
Sau bão, các tuyến đê trên địa bàn Quảng Ninh cần đánh giá tổng thể để có biện pháp gia cố, nâng cấp kịp thời
Cùng cảnh với công trình thủy lợi Hà Thanh là các công trình thủy lợi Hà Tràng Đông, Hà Tràng Tây (cùng thuộc xã Đông Hải) và Chặng 1 Làng Đài (thuộc xã Đông Ngũ) cũng bị xói mòn, hư hỏng nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp nước tưới cho hơn 330ha đất lúa và hoa màu trên địa bàn.
Ông Thằng Văn Thống, Trưởng thôn Nà Bấc mong muốn: "Chúng tôi mong muốn các cấp hỗ trợ kinh phí để bà con tái lại sản xuất, bởi sau bão khắc phục vẫn chưa xong vì hư hỏng nhiều quá. Tới đây mà tiếp tục trồng cây vụ đông với mô hình khoai tây thì mới phát triển được, vì “nhất nước nhì phân”, nếu nước tưới không đảm bảo thì phát triển rất khó".
Chị Lâm Thị Đặng cho biết, một tháng sau lũ, người dân thôn Nà Bấc vẫn cảm giác như vừa trải qua một cơn ác mộng
Để khắc phục tình trạng hư hại của các công trình thủy lợi này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp cấp bách sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng sau mưa lũ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: "Sớm nhất là trong tuần này sẽ có phân bổ ngân sách sửa chữa. Việc này là của Công ty thủy lợi miền Đông làm chủ đầu tư, họ cũng đã có phương án rất chi tiết, cụ thể để khắc phục. Còn một số vị trí, đập dâng và các trạm nhỏ lẻ thì huyện cũng cho chủ trương nâng cấp, gia cố để phòng, tránh những trận lũ tiếp theo".
Đoạn đập vai trái công trình thủy lợi Hà Thanh, xã Đông Hải vị vỡ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, gần 400 km đê bảo vệ cho khoảng 43.600 ha đất và khoảng 240.000 người. Điều đáng nói, duy nhất chỉ có tuyến đê quốc gia trên địa bàn thị xã Quảng Yên chống được bão cấp 10 kết hợp thủy triều tần suất 5%. Các tuyến đê còn lại chỉ chịu được bão cấp 8-9 với tần suất thủy triều là 10%.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chánh văn phòng PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Quảng Ninh cho biết, bão số 3 và mưa hoàn lưu bão đã vượt quá năng lực chống chọi của nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn.
"Với hệ thống đê của Quảng Ninh, trải qua bão số 3 vừa qua, sự mất an toàn là rất cao. Tuy nhiên may mắn là giai đoạn bão đổ bộ thủy triều thấp, do vậy các tuyến đê trên địa bàn hầu hết đều an toàn. Việc cần thiết bây giờ là phải nâng cấp hệ thống đê điều để ứng phó với các tình huống các cấp bão tương tự, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các khu trong vòng đê bảo vệ là các khu công nghiệp phát triển rất mạnh mẽ".
Lũ xói mòn nhiều công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn Quảng Ninh
Ngoài các công trình thủy lợi ở trên địa bàn huyện Tiên Yên, bão số 3 cũng ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã đe dọa đến tuyến đê Hồng Phong (TX Đông Triều), đê Điền Công (TP Uông Bí), đê Đồng Bái (TX Quảng Yên), gây sạt lở tại một số điểm và nguy cơ nước tràn qua đê. Việc nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, các đoạn đê xung yếu sau bão là rất cần thiết trong bối ảnh thiên tai, bão lũ ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.