Báo Vnexpress,

Sông Hồng 'ngoạm' bờ hàng chục mét

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:15:35 25/09/2024 theo đường link https://vnexpress.net/song-hong-ngoam-bo-hang-chuc-met-4796652.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hà Nội
Bờ sông Hồng qua xã Kim Lan, huyện Gia Lâm bị sạt, lòng sông lấn sâu vào đất liền từ 2 đến 17 m, buộc chính quyền phải di dời 5 hộ dân.
Tại thôn 4, xã Kim Lan, sạt lở dài khoảng 25 m, ăn sâu vào bờ 2-8 m, kéo đổ bức tường rào dài khoảng 6 m của gia đình ông Nguyễn Văn Hải. Đoạn đường ven sông và khoảng sân chung của nhiều hộ dân đã bị ngoạm phần lớn.
Bờ sông sau sạt lở dựng đứng, cao hơn mặt nước khoảng 7-8 m, có vị trí chỉ cách mép nhà dân hơn một mét. Hiện bờ sông xuất hiện một số vết nứt, bề rộng 0,5 m, kéo dài cả chục mét, nguy cơ đất tiếp tục trượt xuống sông. Khu vực này có 7 hộ dân với 35 nhân khẩu, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 3.600 m2.
Sạt lở tại thôn 4 xã Kim Lan, Gia Lâm. Ảnh: Tuấn Hải
Gia đình sinh sống nhiều đời ở xóm 4, ông Nguyễn Xuân Hà, hơn 60 tuổi, cho biết chưa bao giờ bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Một số công trình phụ của nhà ông và các gia đình bên cạnh đã bị lòng sông nuốt chửng. Chính quyền tổ chức di dời khẩn cấp nhà ông ra ở nhà văn hóa xã.
"Tôi mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp xử lý tình trạng sạt lở để gia đình có thể quay về nhà ổn định cuộc sống. Nếu việc xử lý kéo dài nhiều tháng, mong được hỗ trợ tạm cư", ông Hà nói.
Ông Nguyễn Xuân Hà đứng bên dòng sông đã ăn sâu vào công trình phụ của gia đình. Ảnh: Võ Hải
Cách vị trí trên khoảng 300 m về phía hạ lưu, thôn 5 cũng bị sạt lở 32 m bờ sông, ăn sâu vào bãi 1-3 m, cách nhà dân gần nhất 4,5 m. Khu Miếu Triền (cách vị trí sạt lở thôn 5 khoảng 160 m về phía hạ lưu) bị sạt dài khoảng 100 m, lấn sâu vào đất 2-17 m, cách nhà dân gần nhất 20 m.
Ông Trương Văn Học, Phó chủ tịch huyện Gia Lâm Trương, đánh giá bờ bãi sông Hồng chủ yếu là đất cát pha, liên kết yếu. Từ đầu tháng 8, ảnh hưởng mưa lớn do bão Prapiroon , xã Kim Lan xuất hiện một số vết nứt dọc bờ sông. Sau cơn bão Yagi, nước sông Hồng dâng cao gần mức báo động ba (cao nhất trong vài chục năm qua), khi rút kéo theo phần đất, cát đã mất liên kết dẫn đến sạt trượt.
Ngày 23/9, UBND huyện Gia Lâm đã kiểm tra hiện trường và chỉ đạo xã Kim Lan phối hợp với công an, quân đội và các đơn vị liên quan triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân tại khu vực sạt lở, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Vết nứt tại điểm sạt lở thôn 4 rộng khoảng 20 cm, dài hàng chục mét. Ảnh: Võ Hải
Hiện 5 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu được di dời đến nơi an toàn. Chính quyền xã dựng tôn quây kín khu vực sạt, gắn biển cảnh báo không cho người ra vào, đồng thời tổ chức trực 24/24h. Về lâu dài, huyện Gia Lâm kiến nghị UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đẩy nhanh dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ, bãi sông tại khu vực trên.
Thống kê của TP Hà Nội, bão Yagi đã làm 4 người chết và 24 người bị thương; khoảng 88.000 cây (gồm cây đô thị và các loại cây khác) gãy đổ; hơn 36.000 ha lúa bị ngập, dập nát; gần 12.000 ha rau màu bị ngập, làm hơn 3.400 gia súc chết. Nước sông Hồng lên cao đã gây ngập hơn 27.000 nhà dân ven sông.
Võ Hải
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây
Sao chép thành công