Chuyên trang Pháp luật và Xã hội - Báo KTĐT,

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm: một số lưu ý trong điều trị và bổ sung dinh dưỡng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:17:12 25/09/2024 theo đường link https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sot-xuat-huyet-vao-mua-cao-diem-mot-so-luu-y-trong-dieu-tri-va-bo-sung-dinh-duong-395786.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 23/9, theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (từ ngày 13 đến 19/9), toàn Thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 57 ca so với tuần trước. Ngành y tế Hà Nội nhận định, hiện đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Hà Nội (từ tháng 9 đến tháng 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Diệt bọ gậy là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Ảnh minh họa
Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian qua
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trên địa bàn thành phố thời gian tới. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc trong tuần như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29 ca); Hà Đông (22 ca); Cầu Giấy (20 ca); Chương Mỹ (17 ca); Thanh Xuân (13 ca)… Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vào thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng số ca mắc thường tăng lên vào mùa mưa. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết do thời tiết ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.
“Diệt bọ gậy là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Do đó phải tuyên truyền, vận động làm sao để người dân tự giác diệt bọ gậy bằng các hành động nhỏ như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây… Như vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”, ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ.
Hiện, Hà Nội đã bắt đầu bước vào đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Nếu không xử lý ổ dịch từ 3 ngày đầu, để qua ngày thứ 5 thì nguy cơ sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì khả năng thành 20-30 bệnh nhân ngay sau đó là rất nhanh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, cũng như của cả nước hiện nay, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại một số quận, huyện có số mắc cao thời gian qua. Đồng thời, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh dại tại huyện Thạch Thất.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.
Các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó);
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt để xử lý kịp thời như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn.
Nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng
Nhiều người cho rằng khi mắc sốt xuất huyết hết sốt là khỏi bệnh. Tuy vậy, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm. Sau 3 - 7 ngày, người bệnh thường sẽ hết sốt và đỡ khó chịu hơn nhưng không nghĩ rằng đây lại là thời điểm quyết định bệnh có trở nặng hay không.
Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể gây suy tạng với biểu hiện viêm cơ tim, viêm gan, viêm não. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Vì vậy, đây là giai đoạn cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ.
Một số sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đó là chẩn đoán sai. Sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với Covid-19 hoặc một bệnh cúm… Khi đến ngày 4, 5 của bệnh, lúc này máu có biểu hiện cô đặc hoặc tiểu cầu giảm nhanh mới nhập viện. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần truyền tiểu cầu, dung dịch cao phân tử và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, suy gan, suy thận, men gan tăng… cần phải lọc máu. Ngoài ra còn có một số biến chứng khác có thể gặp trên bệnh nhân mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, người già…
Người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết. Xét nghiệm này đơn giản có thể phát hiện ra sốt xuất huyết từ những ngày đầu.
Sau 3 - 7 ngày, người bệnh thường sẽ hết sốt và đỡ khó chịu hơn nhưng không nghĩ rằng đây lại là thời điểm quyết định bệnh có trở nặng hay không. Ảnh minh họa
Điều trị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách
Trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế từ xa. Người bệnh có thể sử dụng các dung dịch bù nước, thuốc hạ sốt theo hướng dẫn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối lưu ý không dùng kháng sinh, corticoid hoặc truyền những dung dịch như đạm, dung dịch cao phân tử.
Sau 5 ngày bệnh nhân có thể hết sốt. Nếu có biểu hiện thoát dịch, cô đặc máu sẽ dẫn tới hiện tượng tụt huyết áp hoặc mệt, đau bụng vùng gan, mệt mỏi tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, rong kinh ở phụ nữ. Đây được gọi là những dấu hiệu cảnh báo và cần phải nhập viện, phải được theo dõi bởi nhân viên y tế và tại các cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa phủ tạng, sốc, cần truyền tiểu cầu, truyền dung dịch cao phân tử thì nên chuyển lên tuyến Trung ương. Lúc này không điều trị tại nhà hoặc các tuyến cơ sở xã phường, huyện.
Người mắc sốt xuất huyết cần lưu ý làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để biết số lượng tiểu cầu bao nhiêu. Nếu tiểu cầu xuống dưới 50g/L thì nên nhập viện. Sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể chăm sóc tại nhà và có thể theo dõi nhiệt độ cũng như dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, không sử dụng các nhóm thuốc có salicylic vì có thể gây chảy máu.
Bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết
Nếu người bệnh nhẹ sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có sốt người bệnh cần uống thuốc paracetamol, lau mát bằng nước ấm… Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...
Không kiêng cữ ăn uống; không quấn trẻ bằng nhiều quần áo khi đang sốt cao. Về dinh dưỡng, đặc điểm bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue là chán ăn, tiêu hóa chậm (xuất huyết tiêu hóa), không ăn bằng miệng được (biến chứng não).
Cần tăng cường cho người bệnh ăn: trứng, sữa, thịt, cá. Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể uống các loại nước hoa quả, dung dịch oresol để bù đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bệnh nhân chán ăn, ăn không ngon miệng có thể chia nhỏ các bữa ăn, lựa chọn đồ ăn mềm, lỏng.
Giai đoạn hồi phục cần tăng lượng, tăng đạm, ăn bù một bữa một ngày như tăng bữa phụ (chè, cháo, sữa chua, trái cây). Nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hóa. Phải đến bệnh viện cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng (dấu hiệu nguy hiểm) như: hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; người bệnh nôn nhiều, đau bụng; nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
Vân Lê
Sao chép thành công