Báo điện tử Pháp luật Việt Nam,

Sự việc xã lấy lại đất khi nhà tình thương bị sập tại Củ Chi (TP HCM): UBND xã cho rằng 'tạm cho mượn đất để xây dựng nhà tình thương'

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sự việc xã lấy lại đất khi nhà tình thương bị sập tại Củ Chi (TP HCM): UBND xã cho rằng 'tạm cho mượn đất để xây dựng nhà tình thương'
Sau khi căn nhà tình thương của cụ Cừ bị sập, xã Tân Thạnh Đông đã xây chốt dân phòng trên khu đất.
Nam miền Bắc
Nam miền Bắc
Nữ miền Nam
(PLVN) - Sau khi PLVN có bài viết “Quan điểm trái chiều về sự việc nhà tình thương có gắn liền với đất?”, UBND xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP HCM) có văn bản trả lời về sự việc sau khi nhà tình thương của cụ Lê Thị Cừ bị sập, thì xã đã xây dựng chốt dân phòng ấp 3A trên đất đó.
Nhà tình thương sập, xã lấy lại đất
Theo đơn phản ánh của ông Lê Minh Hùng (SN 1981, ngụ ấp 2, xã Tân Thạnh Đông, cháu ruột cụ Cừ), năm 1998, cụ Cừ được cấp nhà tình thương, đến năm 2003 thì lập di chúc để lại căn nhà trên cho ông Hùng.
Hiện nay cụ Cừ đã qua đời, căn nhà sau đó bị sập. Đến khoảng tháng 5/2024, khi đang xa quê, ông nhận được tin báo UBND xã đã cho xây dựng một căn nhà tôn ngay trên nền đất nhà tình thương của cụ Cừ. Ông Hùng cho rằng nhà tình thương cấp phải gắn liền với đất và tài sản này ông đã được cụ Cừ di chúc hợp pháp; nên quyền sử dụng đất và sở hữu nhà là của ông. Ông phản ánh đến UBND xã, được trả lời là đất công thuộc sân vận động ấp 3A nên xã cho xây dựng tạm chốt dân phòng ấp 3A.
Không đồng ý, ông Hùng tiếp tục phản ánh đến UBND huyện Củ Chi, Báo PLVN. Ngày 6/8, Thanh tra huyện đã tiếp nhận nội dung phản ánh của ông Hùng. Theo ông Hùng, đến nay Thanh tra huyện và UBND huyện Củ Chi chưa có văn bản trả lời ông.
Sau khi PLVN phản ánh sự việc, UBND xã Tân Thạnh Đông có Văn bản 1288/UBND trả lời PLVN. UBND xã cho rằng ngày 20/10/1998, UBND huyện có Quyết định 402/QĐ-UB về cấp nhà tình thương cho cụ Lê Thị Cừ (diện hộ nghèo).
Thời điểm 1998, cụ Cừ là người già, hộ nghèo neo đơn, không có con, không có đất để cất nhà nên UBND xã “tạm thời cho cụ Cừ mượn tạm phần đất công để tiếp nhận căn nhà tình thương, để cụ Cừ ở và thờ cúng liệt sỹ, khi nào cụ Cừ chết, khu đất công trên sẽ do Nhà nước tiếp tục quản lý”.
Ngày 27/5/2024, UBND xã lập biên bản xác minh một số hộ dân sống xung quanh, cho biết: Cụ Cừ sống một mình, không chồng, không con. Năm 2005, cụ Cừ chết. Thời điểm đó căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, mưa gió làm tốc mái tôn, dột xuống bàn thờ và mục hết. Năm 2006, căn nhà sập hoàn toàn, một số hộ dân xung quanh dọn dẹp cho sạch, trồng một số cây ngắn ngày.
Thời điểm UBND xã xây dựng chốt dân phòng ấp 3A, hiện trạng trên đất là đất trống, không có tài sản trên đất; nên không có việc thu hồi căn nhà hay phá dỡ căn nhà. Công trình chốt dân phòng phục vụ công tác trực tuần tra, kiểm tra của Ban nhân dân ấp 3A.
UBND xã cho rằng diện tích đất 87,1m2 tại một phần thửa 48, 49, 50 tờ bản đồ 40, bộ địa chính xã Tân Thạnh Đông, có nguồn gốc là đất công do Nhà nước quản lý; hiện trạng trên đất là đất trống, không có công trình hoặc tài sản trên đất.
UBND xã xác nhận ông Lê Minh Hùng (cháu cụ Cừ, được cụ Cừ viết di chúc tặng cho căn nhà tình thương trên) đang tiếp tục kiến nghị, phản ánh sự việc đến UBND huyện Củ Chi.
Một số vấn đề pháp lý cần làm rõ
Nhận định về sự việc, LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) đánh giá giải thích của UBND xã Tân Thạnh Đông còn thiếu cơ sở pháp lý, chưa thuyết phục.
Xã cho rằng năm 1998 cho cụ Cừ “mượn tạm đất” để xây nhà tình thương, vì vậy UBND xã cần trả lời rõ quy định pháp luật nào cho phép xã có thẩm quyền “cho mượn tạm đất”? Xã cần cung cấp các giấy tờ, biên bản về việc “cho mượn tạm đất” này.
Văn bản của UBND xã Tân Thạnh Đông trả lời PLVN. (Ảnh trong bài: Lương Hổ)
Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ giao nhà tình thương thì có thể được xem xét cấp sổ đỏ.
“Hơn nữa, cụ Cừ đã sử dụng đất này ổn định, không tranh chấp từ năm 1998, nên xã cho rằng cụ Cừ chỉ có nhà tình thương mà không có quyền sử dụng đất; là chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, chưa thuyết phục”, LS Thanh nói.
LS Thanh nói: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững của các hộ dân nghèo có khó khăn về nhà ở”.
“Giữa tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Thủ tướng nhấn mạnh, hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thương người như thể thương thân”. Qua đó, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Số liệu chính thức cho thấy từ 2021 đến nay, ngân sách nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước; MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
“Vì vậy, tôi cho rằng, sự việc cá biệt trên rất cần cơ quan chức năng TP HCM và các Bộ, ngành phân định rõ ràng, làm rõ vấn đề “tặng nhà tình thương thì có kèm quyền sử dụng đất hay không?”. Làm rõ vấn đề này để tránh xảy ra những khiếu kiện tương tự, cũng như để các hộ dân được tặng nhà tình thương yên tâm sinh sống, làm việc, có động lực vươn lên trong cuộc sống”, LS Thanh nói.
Sao chép thành công