Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Tái hiện ký ức lịch sử hào hùng tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:30:48 07/10/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/tai-hien-ky-uc-lich-su-hao-hung-tai-ngay-hoi-van-hoa-vi-hoa-binh-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-post392440.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội.
Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" được chia làm 3 phần chính, bao gồm “Ký ức Hà Nội”, “Dòng chảy di sản”, “Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo”.
Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của TP lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.
Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.
Điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10.10.1954, khi quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân.
Khoảnh khắc hào hùng này sẽ được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa. Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10.10.1954, sẽ được tái hiện rõ nét trên sân khấu, mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10.10.1954
Kho tàng di sản đồ sộ của hơn 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Sau khi xem phim giới thiệu về các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các đại biểu và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức các nét văn hoá đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội.
Mở đầu là màn trình diễn Trống hội Thăng Long đến từ những người dân huyện Thanh Trì; Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá, Yên Sở đến từ huyện Hoài Đức; Múa rồng lân đến từ huyện Thanh Oai.
Tiếp đó, là màn trình diễn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh. Dân gian có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Tản Viên Sơn Thánh là vị thần núi Ba Vì - ngọn núi thiêng sừng sững giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tản Viên Sơn Thánh được tôn kính là vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba vì, lễ hội đình Tường Phiêu ở huyện Phúc Thọ, Lễ hội đền Và ở thị xã Sơn Tây, nghệ thuật hát Dô ở huyện Quốc Oai được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được người dân gìn giữ và phát huy.
Trình diễn tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thăng Long tứ trấn và thờ Mẫu
Các màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ cúng của Thăng Long - Hà Nội.
Đức Thánh Chử Đồng Tử là một trong bốn vị Thánh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là quê hương của Chử Đồng Tử.
Lễ hội Chử Đồng Tử mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm trước…
Tại Lễ hội làng Chử Xá, huyện Gia Lâm diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc biệt là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ nghìn đời nay: Lễ Chữ (Múa chữ): Thiên - Hạ - Thái - Bình có ý nghĩa để tạ ơn Đức thánh Chử Đồng Tử, đồng thời gửi gắm nguyện vọng của nhân dân mong cho thiên hạ thái bình, nhân dân được yên bình, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Thực hiện nghi lễ chữ gồm 22 thiếu niên nam giới dưới 18 tuổi được lựa chọn từ những gia đình có nền nếp, gia phong, có giáo dục đạo đức tốt và một ông ký chỉ. Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống. Lễ hội làng Chử Xá được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, cũng là lễ hội đặc sắc. Những địa danh như: Khu Giá ngự, Bãi tắm nàng Tiên, đình cổ cùng với các hoạt động diễn ra trong lễ hội đề cao đạo đức, luân lý, tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, tình thân giữa cha mẹ và con cái, và tinh thần quật khởi trong dựng nước và giữ nước.
Kể từ năm 1.010 đến nay, truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn” đã là một phần của tín ngưỡng dân gian. Đây là bốn ngôi đền thiêng thờ cúng bốn vị thần trấn giữ bốn phương Đông - Nam - Tây - Bắc của thành Thăng Long xưa. Đó là: Đền Bạch Mã (tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm) thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục (quận Ba Đình) thờ thần Linh Lang Đại Vương; đình Kim Liên (quận Đống Đa) thờ thượng thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh (quận Ba Đình) thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Năm 2022, “Thăng Long tứ trấn” đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng khoa bảng
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm trong hệ thống các di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. Đây là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, thông tin tư liệu ký ức, niềm tự hào của người dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam trong truyền thống nghìn năm văn hiến của Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đào tạo sĩ tử, tôn vinh nhân tài
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2010, UNESCO công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Tái hiện Lễ ăn hỏi Hà Nội xưa
Màn tái hiện Lễ ăn hỏi Hà Nội xưa. Với bề dày lịch sử, Lễ ăn hỏi xưa đã tạo nên truyền thống, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Diễu hành, trình diễn của các tổ chức chính trị, xã hội
Chương trình tiếp nối với màn diễu hành, trình diễn của các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Trong những thành tựu của Thủ đô những năm qua, luôn có sự đóng góp to lớn và rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được đúc kết, nhân rộng, đó là những đóng góp rất quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Khối diễu hành, biểu dương lực lượng của Hội Nông dân Thủ đô
Các tầng lớp Nhân dân Thủ đô
Khối diễu hành và biểu dương lực lượng của lực lượng công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô
Khối diễu hành, biểu dương lực lượng của Hội Cựu chiến binh Thủ đô
Phần diễu hành còn có sự tham gia của các bạn bè quốc tế
Kết thúc chương trình diễu hành là phần trình diễn của 150 học sinh Thủ đô ca khúc “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” và phần trình diễn của ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, Đông Hùng cùng 270 học sinh Thủ đô, diễn viên ca khúc “Xin chào Hà Nội của tương lai”.
Người dân Thủ đô phấn khởi, vui mừng, hòa cùng không khí kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” khép lại với những hình ảnh tuyệt đẹp tôn vinh văn hóa, di sản Hà Nội cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế để lan tỏa thông điệp vì hòa bình.
Văn Anh
Sao chép thành công