Báo Quân đội Nhân dân,

Tại sao phải rút cầu phao ở sông Thao bắc qua 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 01:52:22 04/10/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/tai-sao-phai-rut-cau-phao-o-song-thao-bac-qua-2-huyen-tam-nong-va-lam-thao-797123
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Khi cầu phao PMP do Lữ đoàn 249 của Binh chủng Công binh triển khai ở sông Thao, nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ dừng hoạt động, nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi gửi về báo đề nghị làm rõ.
Để hiểu rõ hơn về quyết định của Bộ tư lệnh Công binh, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng của Binh chủng Công binh để làm rõ thông tin tạm dừng bắc cầu phao PMP ở sông Thao thay thế cầu Phong Châu bị sập.
Trước hết xin khẳng định rằng, cầu phao PMP là khí tài vượt sông hạng nặng, nhằm phục vụ tác chiến quân sự. Việc triển khai và bắc cầu phao vào thời điểm nào, ở đâu, nhằm mục đích gì… là do cơ quan tham mưu và người chỉ huy có trách nhiệm ra quyết định. Việc bắc cầu phao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn; con người, năng lực chuyên môn kỹ thuật và trình độ chỉ huy tác chiến cùng nhiều yếu tố khác.
Việc tạm dừng cầu phao nhằm bảo đảm an toàn cho khí tài, nhân dân, phương tiện giao thông di chuyển. Ảnh: THIÊN HUY
Đặc điểm của cầu phao quân sự là thường được tổ chức bắc trong điều kiện chiến đấu hoặc diễn tập phức tạp; thời gian sử dụng rất ngắn, đủ đáp ứng nhiệm vụ cơ động binh khí, khí tài vượt qua một chiều rồi thu hồi.
Đặc điểm lớn nhất chi phối đến việc bắc cầu phao quân sự PMP trong điều kiện bình thường là lưu tốc dòng chảy ở các vị trí trên mặt nước hoặc ở các độ sâu khác nhau phải ở trong giới hạn cho phép.
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị, Binh chủng Công binh): Cầu phao PMP chỉ hoạt động tốt khi lưu tốc dòng chảy trung bình dưới 2m/s.
Thực tế, ngày 30-9, sau khi Lữ đoàn 249 bắc cầu phao PMP, do lưu tốc dòng chảy trên sông Thao cho phép cầu hoạt động ổn định nên được vận hành khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày sau đó, do lũ thượng nguồn đổ về, lưu tốc dòng chảy trung bình lớn hơn 2m/s nên cơ quan chức năng buộc phải dỡ cầu phao.
Dòng nước chảy xiết cùng với những rác thải lớn liên tục va, mắc vào các mắt cầu phao. Ảnh: THIÊN HUY
Tham khảo kết quả đo của cơ quan chức năng, chúng tôi thấy điều này là hoàn toàn chính xác. Cụ thể, kết quả đo lưu tốc dòng chảy khu vực lắp cầu phao vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 1-10 là 2,5 m/s; lúc 7 giờ ngày 2-10 là 3,1m/s; lúc 13 giờ 30 phút ngày 2-10 là 3,4 m/s.
Ngoài điều kiện lưu tốc nước nhỏ hơn 2m/s để bắc cầu phao PMP thì còn có các điều kiện khác, như: Đường lên xuống bến phải bảo đảm độ dốc dọc nhỏ hơn 12℅; độ hẫng lưỡi bến nhỏ hơn 0,3m. Khi lưu tốc nước lớn hơn 2,0m/s thì Lữ đoàn 249 đã tìm biện pháp tăng hệ neo nên có thể duy trì cầu phao hoạt động đến 2,5m/s. Tuy nhiên, khi lưu tốc dòng chảy lớn hơn tiêu chí này thì phải cắt cầu khẩn cấp, đặc biệt khi trên dòng chảy có nhiều vật trôi nổi bị cuốn theo không kiểm soát, có khả năng phá hủy cầu.
Có một điểm lưu ý là, khi nước thượng nguồn đổ về, khi lưu tốc nước tăng lên thì đồng nghĩa với mực nước sông sẽ dâng lên quá giới hạn bắc cầu cho phép. Trong điều kiện đó thì yêu cầu độ dài của cầu phao phải đáp ứng được. Tuy nhiên, bộ khí tài cầu phao PMP bao gồm nhiều đốt cầu có kích thước tiêu chuẩn ghép lại. Lực lượng chức năng không thể có "phép màu" để biến hình kích thước một đốt cầu để chêm vào khi mặt sông rộng ra, khi mực nước lên quá giới hạn kỹ thuật cho phép.
Có một chi tiết đáng lưu ý là, khi triển khai bắc cầu phao, các đốt cầu nổi trên mặt nước được nối với nhau bằng các then khóa chắc chắn. Lúc đó, cả chiếc cầu là một khối cứng và nằm trên mặt nước, vuông góc với dòng chảy. Dọc cầu phao, lực lượng chức năng bố trí các ca nô túc trực có nhiệm vụ tì đè, neo giữ chiếc cầu dao động trong phạm vi ổn định trước sức chảy của nước, mà khi ở xa, bằng mắt thường không thể quan sát được. Do lưu tốc nước ở giữa mặt sông thường lớn nhất nên trên hình ảnh cầu hoạt động sẽ thấy ca nô của lực lượng chức năng được bố trí ở vị trí này.
Từ những cơ sở kỹ thuật này, chúng tôi khẳng định, quyết định thu cầu phao tạm tại sông Thao sau một ngày khai thác của cơ quan chức năng là đúng đắn, kịp thời, nhằm bảo đảm an toàn cho khí tài, người vận hành và nhân dân, phương tiện giao thông di chuyển.
Thực tế xưa nay cho thấy, không chỉ bộ đội công binh mà quân đội nói chung luôn là lực lượng nêu cao tinh thần “vì nhân dân quên mình”. Nhân dân cần, dù khó khăn, thiếu thốn và gian khổ đến đâu, thậm chí hy sinh thì người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn sẵn sàng phục vụ. Tình quân dân cá nước là một truyền thống quý báu của quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tình cảm ấy đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng Việt Nam
Vì vậy, rất mong nhân dân yên tâm và tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin. Không nên để các đối tượng thù địch hướng lái bằng thông tin sai lệch, bịa đặt.
MẠNH THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công