Nội dung liên quan Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên, Tin Trong Nước, Xã Tân
Báo Dân Trí,
Tân sinh viên sốc khi bạn trọ ở bẩn, hát đến 2h sáng
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
23:18:07 05/10/2024
theo đường link
https://dantri.com.vn/giao-duc/tan-sinh-vien-soc-khi-ban-tro-o-ban-hat-den-2h-sang-20241004222905757.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Dân trí) - Vừa nhập học, nhiều tân sinh viên đã phải đối mặt với những cú sốc về chi phí sinh hoạt và môi trường sống không như mong đợi. Chỉ ăn 2 bữa/ngày, bạn trọ hát đến 2h sáng Từ Bình Dương lên TPHCM học tập, M.L., tân sinh viên trường Đại học Công Thương TPHCM cảm thấy khá cô đơn vì không có nhiều bạn bè, bỡ ngỡ vì phải tự lập, quản lý mọi chi tiêu. Trong tuần đầu tiên xa nhà, tâm lý tân sinh viên được tự do và lần đầu cầm số tiền lớn, M.L. liên tục đi ăn vặt, mua sắm và nạp game, mỗi lần tốn 100.000-200.000 đồng. Chi tiêu không tính toán khiến sinh viên này "tá hỏa" khi chưa đến cuối tháng đã gần hết tiền. Để tiết kiệm, M.L. chỉ ăn hai bữa mỗi ngày và thường xuyên tranh thủ chạy hơn 50km về nhà để ăn cơm với gia đình. "Mỗi bữa ăn của em bây giờ chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng. Đôi khi em phải nhịn ăn để tiết kiệm. Học phí cao gấp đôi dự tính khiến em cảm thấy rất choáng váng", M.L. chia sẻ. Tương tự, K.K., tân sinh viên trường Đại học Khoa học & Nhân văn, (ĐHQG TPHCM) cũng rơi vào khó khăn khi bạn bè liên tục rủ đi ăn vặt, mua trà sữa. Theo K.K., tiền ăn hằng ngày chỉ khoảng 80.000-90.000 đồng/ngày nhưng tiền đi chơi lên đến vài trăm nghìn đồng khiến nữ sinh cảm thấy rất áp lực. "Choáng" vì chi phí đắt đỏ, P.V., tân sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đi chợ mua rau ở thủ đô đắt gấp mấy lần ở quê, một bữa đầy đủ rau thịt rất tốn kém, có ngày tiêu gần 200.000 đồng. "Áp lực tài chính lẫn học tập nên lúc nào em cũng muốn về quê. Lúc mới lên Hà Nội, đêm nào em cũng khóc vì nhớ bố mẹ, mỗi khi được mẹ gọi điện động viên thì rơm rớm nước mắt", P.V. tâm sự. Bên cạnh việc cân đối chi tiêu thì tìm trọ, chọn bạn ở ghép cũng là "cửa ải" khó của tân sinh viên. Như H.H., sinh viên Trường Ngoại Ngữ - Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được chủ trọ giới thiệu bạn ở ghép do "lạ nước lạ cái". Ở chung vài ngày, sinh viên này sốc nặng vì bạn cùng phòng thiếu ý thức nhưng đã lỡ ký hợp đồng 6 tháng. "Phòng rất bẩn, không có thùng rác dù đã ở 1 năm. Em đi học về đã mệt còn thấy rác tứ tung, mất cả buổi dọn dẹp. Họ cũng livestream hát hò đến 2-3 giờ sáng, muốn nghỉ ngơi cũng khó khăn", H.H. nói. Tân sinh viên khó tránh những cú sốc đầu đời (Ảnh: Huyền Trân). Giữ tinh thần lạc quan Để giúp sinh viên vượt qua những khó khăn này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM, khuyên các tân sinh viên nên chuẩn bị tâm lý vững vàng trước khi xa nhà. "Sinh viên cần có kế hoạch quản lý tài chính rõ ràng và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ như học bổng hay công việc bán thời gian", ông Sơn cho biết. Ông cũng khuyến khích sinh viên giữ liên lạc với gia đình và bạn bè để nhận được sự động viên, chia sẻ. Các em cũng nên tham gia vào các hoạt động tập thể và tìm kiếm sự giúp đỡ từ trung tâm hỗ trợ sinh viên nếu gặp khó khăn. Để tránh tình trạng ở trọ không như mong muốn, ThS Sơn khuyến cáo sinh viên nên tìm hiểu kỹ về khu vực trọ, bao gồm giá cả và an ninh, cũng như lựa chọn bạn cùng phòng phù hợp. Kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn cũng là điều cần thiết để xây dựng môi trường sống tích cực. "Các em nên giữ tinh thần lạc quan, xem đây là cơ hội để rèn luyện tính tự lập và trưởng thành," ThS. cho lời khuyên. Về phương pháp học tập hiệu quả, ThS. Sơn gợi ý, sinh viên cần xây dựng thói quen tự chủ, tự học và quản lý thời gian, tích cực tham gia thảo luận nhóm. "Các em phải thường xuyên ôn lại bài cũ. Điều này tưởng dễ nhưng rất khó khi đời sống sinh viên có nhiều hoạt động. Sinh viên cũng nên tiếp thu những nguồn kiến thức khác ngoài bài giảng trên lớp, thường xuyên kết nối với giảng viên, chia sẻ khó khăn để giảng viên kịp nắm bắt và hỗ trợ," ông nói. Kỷ Hương