Báo điện tử Đại biểu nhân dân,
Tân Tổng thống Sri Lanka và lời hứa thay đổi
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
13:34:36 24/09/2024
theo đường link
https://daibieunhandan.vn/tan-tong-thong-sri-lanka-va-loi-hua-thay-doi-post391175.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân Ngày 23.9, Tổng thống đắc cử Anura Kumara Dissanayake đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành nguyên thủ quốc gia thứ 9 của Sri Lanka kể từ khi nước này độc lập vào năm 1948. Với cam kết mang lại một nền văn hóa chính trị mới, ông được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những thay đổi ở một quốc gia đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế này. Chiến thắng ấn tượng Phát biểu tại lễ nhậm chức diễn ra ở thủ đô Colombo phát sóng trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Dissanayake cho biết chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiệm vụ chính của ông là tạo ra "nền văn hóa chính trị mới". Ông Dissanayake cam kết sẽ làm việc với các chuyên gia và đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước. Ông đồng thời khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước. Tân Tổng thống Dissanayake nhậm chức với cam kết về sự thay đổi. Ảnh: Getty Images Trước đó một ngày, Ủy ban Bầu cử Sri Lanka tuyên bố ông Dissanayake, sinh năm 1968, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) theo chủ nghĩa Marx, là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 21.9 khi nhận được 42,31% số phiếu bầu. Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa đạt số phiếu bầu cao thứ hai (với tỷ lệ ủng hộ 32,76%) và Tổng thống sắp mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe nhận số phiếu bầu cao thứ ba (nhận được 17,27% số phiếu ủng hộ). Kết quả bỏ phiếu được xác định bằng vòng kiểm phiếu thứ hai, cho phép kiểm đếm cả các phiếu ưu tiên, do không ai giành được số phiếu quá bán ở vòng một. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Sri Lanka, cuộc đua tranh chức tổng thống được quyết định bằng vòng kiểm phiếu thứ hai. Đây được coi là một bước ngoặt đáng chú ý đối với một ứng cử viên vốn chỉ giành được 3% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019. Ông Dissanayake đã chứng kiến sự ủng hộ ngày càng tăng trong những năm gần đây nhờ các cương lĩnh chống tham nhũng và các chính sách ủng hộ người nghèo của mình - đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay của đất nước, cuộc khủng hoảng vẫn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người. Bây giờ ông sẽ thừa hưởng quyền điều hành một quốc gia đang phải vật lộn để thoát khỏi cái bóng của cuộc khủng hoảng đó, và một dân chúng đang khao khát sự thay đổi. Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx Dissanayake sinh ngày 24.11.1968 tại Galewela, một thị trấn đa văn hóa và đa tôn giáo ở miền trung Sri Lanka. Lớn lên trong một gia đình trung lưu, ông theo học tại trường công, có bằng vật lý và lần đầu tiên tham gia chính trường khi còn là sinh viên vào thời điểm Hiệp định Ấn Độ-Sri Lanka được ký kết năm 1987: một sự kiện dẫn đến một trong những giai đoạn đẫm máu nhất của Sri Lanka. Từ năm 1987 đến năm 1989, Janatha Vimukti Peramuna (JVP) - một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx mà sau này Dissanayake có mối quan hệ chặt chẽ - đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ Sri Lanka. Chiến dịch nổi dậy, được thúc đẩy bởi sự bất mãn trong giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu và hạ lưu ở nông thôn, đã dẫn đến một cuộc xung đột đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Dissanayake, người được bầu vào ủy ban trung ương của JVP năm 1997 và trở thành lãnh đạo của đảng này vào năm 2008, đã xin lỗi vì hành vi bạo lực của JVP. Đảng này hiện chỉ có ba ghế trong Quốc hội, nhưng là một phần của liên minh NPP mà Dissanayake hiện đứng đầu. Cam kết tạo ra sự thay đổi Ông Dissanayake được coi là ứng cử viên mạnh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 21.9. Ông tự gọi mình là ứng cử viên cho sự thay trong bối cảnh thái độ bất mãn của dân chúng luôn âm ỉ sau khi đất nước phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến cuộc biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa năm 2022. Nhiều năm áp dụng mức thuế thấp, xuất khẩu yếu kém, cùng những sai lầm lớn về chính sách, đặc biệt kết hợp với hậu quả của đại dịch Covid-19, đã làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của đất nước. Nợ công của Sri Lanka thời điểm đó lên tới hơn 83 tỷ USD và lạm phát tăng vọt lên 70%. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2022 đã khiến người dân phải xếp hàng dài để mua nhu yếu phẩm cơ bản. Mặc dù người kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaks, Tổng thống vừa mãn nhiệm Wickremesinghe, đã đưa ra các biện pháp cải cách kinh tế giúp giảm lạm phát và tăng giá trị đồng rupee Sri Lanka, nhưng hiện tại, người dân vẫn phải vật lộn với nhiều khó khăn. Ở cấp độ sâu hơn, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2022 và những bối cảnh liên quan, đặc biệt là tình trạng tham nhũng và đặc quyền chính trị đã thúc đẩy người dân khao khát về phong cách lãnh đạo kiểu mới. Ông Dissanayake đã nhìn thấy nhu cầu đó và thúc đẩy cam kết tạo ra một nền văn hóa chính trị kiểu mới. Ông tuyên bố sẽ phá vỡ hiện trạng của nền chính trị, từ lâu bị chỉ trích là khuyến khích nạn tham nhũng và chủ nghĩa bè phái trong giới tinh hoa. Ông nhiều lần khẳng định sẽ giải tán Quốc hội sau khi lên nắm quyền để bắt đầu một nhiệm kỳ cơ quan đại diện mới phù hợp với lợi ích của người dân. Ông ám chỉ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC rằng ông sẽ làm điều này trong vòng vài ngày sau khi đắc cử. "Không có lý do gì để tiếp tục duy trì một Quốc hội không phù hợp với mong muốn của người dân", ông nói. Nhân vật vì người nghèo Bên cạnh cam kết chống tham nhũng kiên quyết và mạnh tay, ông Dissanayake còn đưa ra các chương trình phúc lợi lớn hơn và lời hứa cắt giảm thuế để hỗ trợ người nghèo. Chính phủ hiện tại đã áp dụng chính sách tăng thuế và cắt giảm phúc lợi như một phần của các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đưa nền kinh tế đất nước trở lại đúng hướng cũng như để đổi lấy các gói viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, các biện pháp này cũng khiến một bộ phận lớn dân chúng chật vật kiếm sống. Lời hứa của Dissanayake về các biện pháp đó dường như đã thu hút được sự ủng hộ của cử tri trong một cuộc bầu cử mà những lo ngại về kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Soumya Bhowmick, cộng tác viên tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở tại Ấn Độ, nhận định trước cuộc bầu cử rằng: "Mức lạm phát tăng vọt, chi phí sinh hoạt cao chót vót và tình trạng nghèo đói đã khiến cử tri tuyệt vọng khi tìm kiếm các giải pháp ổn định giá cả và cải thiện sinh kế. Khi đất nước đang tìm cách thoát khỏi nguy cơ sụp đổ kinh tế, cuộc bầu cử tổng thống lần này đóng vai trò là thời điểm quan trọng để định hình lộ trình phục hồi của Sri Lanka; cũng như khôi phục niềm tin trong nước và quốc tế vào nền quản trị của đất nước”. Một số người quan sát, bao gồm các nhà đầu tư và người tham gia thị trường, bày tỏ lo ngại rằng các chính sách kinh tế của Dissanayake có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính và làm gián đoạn con đường phục hồi của Sri Lanka. Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống đã tiết chế thông điệp của mình trong các bài phát biểu vận động tranh cử, nhấn mạnh rằng ông cam kết đảm bảo trả nợ cho Sri Lanka. Ông cũng lưu ý rằng bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ được áp dụng sau khi tham vấn với IMF, tổ chức đã hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn của đất nước này. Nhiều nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ chính của vị tổng thống tiếp theo là xây dựng một nền kinh tế ổn định. Athulasiri Samarakoon, giảng viên cao cấp về khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Mở Sri Lanka, nhận định: “Thách thức nghiêm trọng nhất là làm thế nào để khôi phục nền kinh tế", bao gồm quản lý chi tiêu công và tăng nguồn thu công. "Bất kỳ chính phủ nào trong tương lai cũng sẽ phải hợp tác với IMF", ông lưu ý. Quỳnh Vũ