Chi phí sản xuất điện tăng cao. (Ảnh minh họa: EVN).
Nam miền Bắc
Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
(PLVN) - Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng lần thứ 3 trong 2 năm liên tục với mức tăng lớn dần. EVN nêu 3 cơ sở quan trọng để điều chỉnh giá lần này.
Số tiền điện tăng cao nhất là 62.150 đồng/hộ/tháng
Cuối tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân. Việc tăng giá này được thực hiện ngay sau ngày Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất điện năm 2023 (giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022).
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8%. Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 3 trong 2 năm liên tục. Trước đó vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng. Lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%); lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 với mức tăng 86,4 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5%). Và lần điều chỉnh này, mức tăng thêm là 96,32 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 4,8%.
Cùng với đó, hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sẽ như sau: bậc 1 (0 - 50kWh) là 1.893 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100 có giá là 1.956 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200 có giá là 2.271 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300 có giá là 2.860 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 có giá là 3.197 đồng/kWh và bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh.
EVN cho biết, với việc điều chỉnh này, nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng; Với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 - 100kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng; Nhóm khách hàng sử dụng từ 101 - 200kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng. Mức tăng tiền điện sẽ vào khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 - 300kWh (chiếm 18,5% khách hàng).
Với khách hàng sử dụng điện từ 301 - 400kWh (chiếm khoảng 8,87%), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Mức tăng tiền điện cao nhất khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN, đối tượng khách hàng sinh hoạt phổ biến sử dụng dưới 200kWh/tháng trở xuống chiếm khoảng 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Với mức tăng hiện nay, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ dưới 200kWh/tháng là 13.800 đồng/hộ/tháng.
Cơ sở nào để điều chỉnh giá điện?
Theo EVN, cơ sở để điều chỉnh giá điện tăng lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng: Chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trong đó, cơ sở chính trị là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nghị quyết này yêu cầu: “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.
Về cơ sở pháp lý, theo EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện và thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Về cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ,… Trong khi đó, cơ cấu nguồn biến động theo chiều hướng bất lợi khi giảm các nguồn mua điện có giá thành rẻ và tăng các nguồn mua điện có giá thành cao so với năm 2022.
Bên cạnh đó, nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm trong khi không có nhiều công trình nguồn điện mới giá rẻ vào vận hành. Tổng sản lượng điện mua, nhập khẩu tại điểm giao nhận tăng thêm 11,8 tỷ kWh so với năm 2022, tương ứng với mức tăng 4,6%. Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong khi các nguồn điện giá rẻ hiện hữu chỉ đáp ứng được một phần, EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện như các nguồn nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và nhiệt điện dầu.
Đáng chú ý, theo EVN, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020 - 2021. Chưa kể, giá than pha trộn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn của các nhà máy nhiệt điện từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn.
Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ (USD) năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022 khi bình quân tỷ giá đô la Mỹ năm 2023 là 23.978,4 đồng/USD, tăng 448,5 đồng/USD so với tỷ giá bình quân năm 2022. Tỷ giá tăng đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ (USD) như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào và các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sinh khối, rác).