Nội dung liên quan Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng, Tin Trong Nước, Xã Thạnh Thới An
Báo Tin Tức,
Tăng giá trị, tạo liên kết chuỗi bền vững cho sản phẩm lúa gạo
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:06:05 05/10/2024
theo đường link
https://baotintuc.vn/dia-phuong/tang-gia-tri-tao-lien-ket-chuoi-ben-vung-cho-san-pham-lua-gao-20241005090207876.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp vẫn là ngành trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Nông dân Sóc Trăng đang thu hoạch lúa Hè Thu 2024 cuối vụ với tâm lý khá phấn khởi vì giá lúa tăng hơn so với đầu vụ. Năng suất lúa bình quân ước đạt 59,9 tạ/ha, tăng 1,62 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN Hiện tỉnh đang tập trung phát đầu tư phát triển nông nghiệp chú trọng chất lượng cao, có sự liên kết đem lại hiệu quả, giá trị cao và hướng tới bền vững. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2024, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị; nâng cao cơ giới hóa trong sản xuất, như: Trong khâu làm đất đã đạt 100% cơ giới; diện tích gieo sạ, bón phân bằng máy phun hạt đạt trên 22%; sử dụng máy bay không người lái đạt trên 24% diện tích gieo trồng; bơm tưới đạt 100%; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 98% diện tích thu hoạch. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã khởi động thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và triển khai mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” tại tỉnh Sóc Trăng. Bước đầu qua vụ lúa Hè Thu vừa qua thực hiện trên diện tích hơn 50 ha đã cho kết quả rất cao, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha, là tiền đề cho tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trong những vụ lúa tới. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông Phạm Văn Đầy, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: Nông dân của tổ hợp tác đã liên kết sản xuất lúa ST24, ST25 vài năm trước. Từ khi thành lập, tổ hợp tác đã thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP rồi chuyển dần qua canh tác theo hướng hữu cơ. Canh tác lúa theo quy chuẩn hữu cơ giúp cho nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận hơn. Trung bình chi phí 1 vụ lúa khoảng 28 triệu đồng/ha, trong khi canh tác theo truyền thống (sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật), chi phí tới 35 triệu đồng/ha. Năng suất lúa hữu cơ bình quân ước đạt 6,5 - 8 tấn/ha, giá lúa được công ty thu mua cao hơn so với bên ngoài khoảng 1.000 đồng/kg. Vụ lúa Hè Thu vừa qua, trên phần ruộng của tổ hợp tác đã thu hoạch giống lúa ST25, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, giá lúa được đơn vị bao tiêu là 11.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận của thành viên tổ hợp tác đạt rất cao. trên 50 triệu đồng/ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Đến hết tháng 9, tỉnh Sóc Trăng đã gieo trồng được 337.874 ha lúa, tăng 2,27% so cùng kỳ; đã thu hoạch được 332.736 ha (đạt 98,47% so tổng diện tích lúa đã xuống giống) với sản lượng lúa (theo năm lương thực) của tỉnh năm 2024 đạt 2,15 triệu tấn, tăng 5,08% so với kế hoạch; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,53% (chỉ tiêu Nghị quyết 93,37%) và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm hơn 51,5% tổng sản lượng lúa. Kết quả này cho thấy cả sản lượng lúa và chất lượng lúa đều đã tăng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ lúa tại Sóc Trăng khá thuận lợi. Thông qua ngành quản lý và các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, trong vụ Đông Xuân 2023-2024 toàn tỉnh có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ, với tổng diện tích bao tiêu 28.355 ha, tăng 6.924 ha so với vụ Đông Xuân trước. Chất lượng, giống tốt, phẩm chất lúa cao đã nâng cao giá trị hạt lúa lên so với những vụ lúa năm trước. Trung bình giá lúa tại địa bàn tỉnh tăng từ 500-3.500 đồng/kg so cùng kỳ, cụ thể, giá lúa thường dao động từ 6.800-10.000 đồng/kg (tăng từ 500-2.250 đồng/kg), giá lúa thơm nhẹ dao động từ 7.300-10.200 đồng/kg (tăng từ 800-2.000 đồng/kg) và giá lúa đặc sản dao động từ 7.600-11.500 đồng/kg (tăng 1.200-3.500 đồng/kg). Với giá lúa này và theo đánh giá của ngành nông nghiệp, kết quả điều tra giá thành, lợi nhuận bình quân vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 36 triệu đồng/ha, tăng 33,83% so với vụ Đông Xuân 2022-2023. Không chỉ giá lúa tăng, nhà nông có lợi nhuận cao. Giá trị hạt gạo xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng chỉ tính mới 9 tháng năm 2024 đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Số liệu từ sở Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Sóc Trăng đã xuất đạt kim ngạch 510 triệu USD, tăng hơn 51,63% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất từ trước đến nay, vượt cả năm 2023 tới 100 triệu USD. Với giá cả thuận lợi và thị trường xuất ổn định, 3 tháng cuối năm dự báo gạo xuất khẩu của tỉnh vẫn còn thuận lợi và tiếp tục đạt cao so với dự kiến. Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, tạo liên kết chuỗi bền vững cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng, phục vụ thị trường xuất khẩu nhiều hơn nữa, ngành nông nghiệp tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, với diện tích thực hiện trong đề án đến năm 2030 của tỉnh là 72.000ha. Theo đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh phấn đấu duy trì sản lượng lúa hàng năm trong những năm tới đạt từ 2 triệu tấn lúa trở lên, chú trọng chất lượng phẩm chất lúa gạo chất lượng cao, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 90%. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục bố trí lại cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác 3 vụ lúa/năm ở những vùng có điều kiện khó khăn, khuyến khích canh tác 2 vụ lúa/năm nhằm đảm bảo trong phát triển nông nghiệp có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… Trung Hiếu (TTXVN)