Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,

Thái Nguyên: Nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh đồng bào DTTS

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:48:30 23/09/2024 theo đường link https://baodantoc.vn/thai-nguyen-nang-cao-nang-luc-tieng-viet-cho-hoc-sinh-dong-bao-dtts-1726834580885.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thảo Khánh
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016 - 2021” định hướng 2025, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo thuận lợi để học sinh học tập, lĩnh hội tri thức.
Cô Hoàng Thị Nhung, giáo viên dạy môn tiếng Việt cho học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Sa Lung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Thời gian qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức tập huấn dạy học tăng cường tiếng Việt tại Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai. Thực hiện cung cấp bổ sung tài liệu, học liệu cho các trường thực hiện Đề án này.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt cho học sinh DTTS, đảm bảo cho học sinh đạt được chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp và của cấp học. Theo thống kê, năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 8.113 trẻ em mầm non vùng DTTS được tăng cường học tiếng Việt , theo Kế hoạch số 81/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 29/4/2022.
Tại huyện Định Hoá, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non là người DTTS. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các trường có học sinh là người DTTS đã tích cực xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập.
Quan sát một giờ học của lớp mẫu giáo 5 tuổi của Trường Mầm non Đồng Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi thấy cô giáo vừa hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động vui chơi, vừa khích lệ học sinh phát biểu, để các em có thêm kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Từ những bộ lắp ghép mô hình nhà ở, bộ chữ cái màu sắc, hay những bộ dụng cụ nấu ăn, cô giáo giới thiệu, để học sinh học cách nhận biết, tiếp cận với môi trường xung quanh một cách dễ dàng hơn.
Thầy giáo Lưu Quốc Quân, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ hướng dẫn học sinh tập đọc tiếng Việt
Năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Đồng Thịnh có tổng số 224 học sinh, với 10 lớp, trường có 1 điểm chính và 1 điểm trường lẻ là An Thịnh, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 80%. Học sinh ở độ tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quá trình học nói và khi vào lớp 1, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng DTTS, việc nói tiếng Việt tương đối hạn chế. Vì thế, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh được Nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Thịnh, cho biết: Nhà trường vẫn kiên trì các giải pháp tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con em đi học sớm, tạo nền tảng tốt hơn khi các con vào lớp 1. Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ ở nhà với ông bà là tốt nhất, thực tế so sánh cùng độ tuổi, cháu nào đến trường học sớm thì khả năng phát triển ngôn ngữ, sự tự tin tốt hơn rất nhiều. Nhà trường còn sử dụng linh hoạt các thiết bị điện tử, phần mềm, tài liệu, tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho trẻ theo hướng tương tác “chơi mà học, học bằng chơi”.
Còn tại huyện Đồng Hỷ, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 108/KH-UBND, ngày 11/7/2022 của UBND huyện về thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn. Lựa chọn Trường Mầm non Vân Lăng, Trường Mầm non Tân Long làm điểm tập huấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Xác định tiếng Việt có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh người DTTS, Nhà trường đã chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, tăng số buổi trong tuần với tất cả các khối lớp, để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy cô, bạn bè.
Nhà trường đã yêu cầu giáo viên tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đội ngũ giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy ngôn ngữ thứ hai, tăng thời gian luyện nói cho học sinh.
Song song với đó, Nhà trường phân công mỗi giáo viên có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học, đảm bảo nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Khuyến khích các thầy cô giáo chủ động, tự học tiếng dân tộc, để phục vụ công tác giảng dạy, tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các đồ dùng có sẵn tại địa phương, đồ dùng được cấp phát hợp lý, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, giúp các em nhận thấy ý nghĩa của việc học tiếng Việt là thật sự quan trọng và cần thiết.
Cô và trò Trường Mầm non Đồng Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên trong giờ học ngoại khoá
20 năm công tác tại các điểm trường vùng khó, thầy giáo Lưu Quốc Quân, giáo viên tại điểm Trường Bản Tèn, thuộc Trường PT DTBT Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, chia sẻ: Quá trình dạy học tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn đối với giáo viên không chỉ con đường tới điểm trường di chuyển khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn do bất đồng ngôn ngữ với học sinh, bởi các em chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ.
Để việc dạy và học đạt hiệu quả, mỗi giáo viên bắt buộc phải chủ động học thêm tiếng dân tộc để giao tiếp với các em. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tích cực tăng cường tiếng Việt cho học sinh thông qua các trò chơi, trao đổi về cuộc sống, các mối quan hệ trong gia đình, qua những câu chuyện, giới thiệu các sản phẩm, đồ dùng học tập, tranh vẽ, thực phẩm… Từ những câu chuyện, những hình ảnh trực quan, sinh động và thực tế đã giúp các em học sinh dần nắm bắt và hiểu, có thêm vốn từ.
Tương tự như huyện Đồng Hỷ, tại huyện Võ Nhai, năm 2024 – 2025, toàn huyện có 11.946 học sinh, trong đó có 1.225 cháu huy động vào lớp 1 và 1.444 em vào lớp 6, tỷ lệ huy động đạt 100%. Việc triển khai dạy học tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cũng được địa phương quan tâm, thực hiện.
Cô Hầu Thị Chỉnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Năm học mới này, Trường có 144 học sinh với 10 nhóm lớp. Hằng năm bám sát vào chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS theo từng giai đoạn.
Cũng theo cô Hầu Thị Chỉnh, khó khăn trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS của trường là nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt khả năng tiếp thu của các em, Nhà trường còn khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà.
Để nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ, Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt, để thu hút các em tham gia, như: Tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các ngày lễ, tết, Hội thi bé với cha mẹ thực hiện An toàn giao thông…
Sao chép thành công