Nội dung liên quan Xã Phúc Khánh, Huyện Bảo Yên, Tỉnh Lào Cai, Tin Trong Nước
Báo Giao Thông - Tin tức 24h qua, Tin nóng mới nhất hôm nay,
Thần tốc mở đường vào Làng Nủ, chuyện bây giờ mới kể
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
09:32:55 17/09/2024
theo đường link
https://www.baogiaothong.vn/than-toc-mo-duong-vao-lang-nu-chuyen-bay-gio-moi-ke-192240916170643805.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngay khi nghe tin lũ quét, sạt lở đất vùi lấp hàng chục hộ dân ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai), hàng chục công nhân ngành giao thông đã lập tức có mặt, không ngại nguy hiểm, mở đường để lực lượng cứu nạn sớm tiếp cận hiện trường. Nguy hiểm rình rập Lực lượng ngành giao thông xuyên đêm mở đường vào Làng Nủ “Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy sợ, tôi cũng là người chứ có phải sắt đá đâu. Cả quả đồi với hàng ngàn khối đất đá đã no nước có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Chúng tôi hốt dọn ở dưới chân, nguy cơ đổ ập xuống càng cao”, công nhân lái máy múc Nguyễn Bá Phúc (SN 1993), Công ty CP Đường bộ 242 (tỉnh Lào Cai) kể lại quá trình thông tuyến quốc lộ 70 vào Làng Nủ. Sinh ra lớn lên ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), học xong phổ thông, anh Phúc đi nghĩa vụ quân sự. Ra quân, anh học thêm nghề lái máy xúc, rồi về đầu quân cho Công ty CP Đường bộ 242 gần 5 năm nay. “Làm công nhân đường bộ ở địa bàn tỉnh miền núi, tôi đã quen với cảnh đi sớm, về muộn. Nhưng có lẽ quá trình thông đường để lực lượng chức năng vào tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ là kỷ niệm không bao giờ quên”, anh chia sẻ. Trong những ngày mưa bão số 3 vừa qua, anh Phúc được phân công một máy múc, ứng trực từ Km134 - Km147, QL70. Hoàn lưu bão gây ra mưa lớn kéo dài đã khiến cho tuyến đường này từ ngã ba Bắc Ngầm (huyện Bảo Thắng) vào trung tâm huyện Bảo Yên sạt lở ta luy dương, ta luy âm và ngập nước hàng chục điểm lớn nhỏ. Có điểm cả nghìn khối đất đá sạt xuống, chắn ngang hoàn toàn mặt đường, giao thông tê liệt. Trưa 10/9, các công nhân của công ty nhận được lệnh, bằng mọi cách khẩn trương thông đường vào trung tâm huyện Bảo Yên để các lực lượng chức năng tăng cường vào cứu nạn người dân Làng Nủ. “Nghe tin, anh em ai cũng bàng hoàng, đau xót. Không ai nói với ai, toàn bộ từ lãnh đạo đến công nhân, người lao động cùng nhau xông ra tuyến. Ai cũng khẩn trương chạy đua cùng thời gian để thông đường sớm nhất. Đêm đến, giữa núi rừng trời tối đen như mực, ánh đèn máy múc chỉ lờ mờ trước mặt, múc được một gầu thì nước và đất phía trên lại trượt xuống. Thế nhưng, anh em vẫn kiên trì bám máy, bám đường, làm thông ngày thông đêm, đến rạng sáng 11/9, thông xe một vệt mới dừng tay. Để đảm bảo an toàn, công ty phải bố trí một công nhân cảnh giới, có gì bất thường là cảnh báo để cùng chạy thoát thân”, anh Phúc kể lại. Công nhân lái máy múc Nguyễn Bá Phúc (SN 1993), Công ty CP đường bộ 242 làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 70. Vừa thông đường, vừa vớt thi thể lên bờ Đã nửa tháng nay, kỹ sư Hoàng Văn Thán (SN 1972) - Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức (ở Lào Cai) vẫn chưa về nhà. Mưa lũ, công trường tạm nghỉ nhưng anh lại cùng công nhân đi thông đường giúp các địa phương ở huyện Bảo Yên. Những lúc nghỉ ngơi, anh Thán mới tranh thủ điện thoại về báo tình hình và động viên gia đình, vợ con. "Sinh ra, lớn lên rồi đã có 25 năm gắn bó với những cung đường nơi núi rừng Tây Bắc, tôi đã trải bao không biết bao nhiêu mùa mưa. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi chứng kiến những giây phút kinh hoàng như những ngày vừa qua", anh chia sẻ. Anh kể, trước khi bão số 3 đổ bộ, Công ty Minh Đức đang thi công tuyến đường vào trung tâm xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên). Công trình tạm nghỉ, nhưng là chỉ huy nên anh ở lại trực cùng một số anh em. Khoảng gần 8h sáng ngày 10/9, anh nhận được thông tin tăng cường hỗ trợ địa phương thông đường từ quốc lộ 70 vào Làng Nủ để lực lượng chức năng vào cứu hộ cứu nạn. Lập tức, anh cùng các đồng nghiệp điều cả 3 máy múc có trên công trường ra hiện trường. Vì các ngọn đồi đã no nước nên nguy cơ sạt lở rất cao. Để đảm bảo an toàn, anh em công nhân, phải khảo sát trước, sau đó nhờ người dân và công an đứng cảnh giới phía dưới. Đường vào Làng Nủ không chỉ bị sạt lở mà có 4 ngầm thì đều bị tắc, đặc biệt Nà Khem, Nà Phát. Đất đá, cây cối chắn ngang dòng chảy, nước tràn lên trên, chỉ có khơi thông, nước chảy xuống dưới thì người và phương tiện mới qua được. “Nước lũ chảy ầm ầm qua ngầm, máy múc lốp đến nhưng không thể nào đứng để khơi thông dòng chảy được. Anh em lại phải điều động máy múc xích đến. Đặc biệt, khi vào đến ngầm đầu Làng Nủ, chúng tôi vừa khơi thông, vừa cùng với bộ đội vớt các thi thể bị lũ cuốn trôi. Sau khi vớt được 6 thi thể lên bờ, anh em run tay luôn, nhưng cứ động viên nhau cố lên”, kỹ sư Thán kể. Mệnh lệnh với các công nhân ngành giao thông là bằng mọi giá phải thông đường vào Làng Nủ để lực lượng chức năng sớm tiếp cận được hiện trường. Bằng mọi giá thông đường vào Làng Nủ 2h sáng vẫn đang ở dưới khu vực huyện Bảo Yên, nhưng sáng sớm 12/9, ông Phạm Khắc Khương - Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức (Lào Cai) đã có mặt tại nút giao IC19 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để kiểm tra tình hình sạt lở tại đây. Ông Khương cho hay, đơn vị trúng hợp đồng bảo trì trên 500km quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn Lào Cai. Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tuyến đường mà đơn vị duy tu bảo dưỡng. Ngay khi mưa ngớt, đơn vị đã huy động tối ta lực lượng, phương tiện triển khai cảnh giới, hốt dọn đất đá từ trên ta luy dương sạt xuống, rào chắn những vị trí sạt lở ta luy âm. Với những vị trí hư hỏng nghiêm trọng thì rào chắn, đóng đường, đồng thời tổ chức phân luồng để các phương tiện có lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, khi nghe thông tin Làng Nủ bị sạt lở nghiêm trọng, công ty đã huy động hơn 10 máy móc thiết bị ở 2 công trường gần đó, cùng với ngành chức năng địa phương mở đường vào Làng Nủ. Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân nên đến hơn 22h đêm 10/9, tuyến đường từ trung tâm huyện Bảo Yên vào Làng Nủ được thông suốt. Còn tuyến quốc lộ 70 cũng được thông xe vào rạng sáng 11/9. Ngay khi thông xe, các lực lượng quân đội, công an, y tế đã nhanh chóng tiếp cận Làng Nủ triển khai cứu hộ cứu nạn. Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cũng cho biết thêm: “Tuyến đường dân sinh từ trung tâm huyện vào Làng Nủ chỉ dài 20km nhưng có đến khoảng 20 điểm sạt lở đất đá, nhiều vị trí bị ngập nước. Giao thông tê liệt hoàn toàn, có những đoạn chúng tôi phải gánh xe máy lội bùn để đi qua. Trưa 10/9, sau khi vào đến hiện trường, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng tại chỗ triển khai đưa người bị thương đi bệnh viện cấp cứu, tìm kiếm người mất tích. Sau đó, tôi cùng một vài cán bộ trong đoàn quay ra liên hệ toàn bộ máy móc, phương tiện và công nhân lái máy xúc của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn, của người dân. Tất cả quyết tâm bằng mọi giá phải thông xe vào Làng Nủ sớm nhất”. Công nhân Nguyễn Thị Oanh điều tiết giao thông trên quốc lộ 70. Vất vả nhưng tự hào Sáng 12/9, chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1992), công nhân Công ty CP Đường bộ 242 nhờ chồng đưa con đi học, rồi vội vàng chạy xe máy xuống điều tiết giao thông tại điểm sạt lở ta luy ở Km 136, quốc lộ 70. Cũng như anh Nguyễn Bá Phúc, chị Oanh về Công ty 242 được 5 năm nay. Nhiệm vụ của chị là phát quang, phát rãnh, vệ sinh đường đoạn từ Km153 - Km197 tuyến quốc lộ 40. Tuy nhiên đoạn tuyến này chỉ sạt lở nhỏ, đã được thông sau khi mưa ngớt nên chị được tăng cường xuống quốc lộ 70, đảm bảo an toàn cho các đoàn xe vào cứu trợ Làng Nủ. Chị Oanh kể, nhà chị ở trên xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Tối 8/9, bà nội chồng bị ốm, chị nhờ chồng đi trực gác mưa bão thay, còn mình chạy vào viện với bà. Hai con trai nhỏ (mới học lớp 4 và lớp 2) ở nhà một mình. Không ngờ đêm đó mưa lớn khiến ngọn đồi bên cạnh đổ ập xuống trước cửa nhà. Sợ quá, hai con khóc thét lên rồi ôm nhau chạy ra đường, sau được hàng xóm đưa sang nhà họ hàng trú tạm. “Làm công nhân giao thông vốn đã cực nhọc, ngày mưa bão càng vất vả, nguy hiểm hơn. Cũng may tôi được gia đình và chồng con ủng hộ, động viên. Mệt nhọc, hiểm nguy nhưng cũng thấy tự hào là những người đi trước mở đường”, chị Oanh giãi bày. Ngày 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường và các chuyên gia sau khi nghiên cứu, thảo luận đã lên phương án bố trí khu tái định cư Làng Nủ. Hai phương án về địa điểm xây dựng được đưa ra. Phương án 1, khu tái định cư nằm giữa cánh đồng có diện tích khoảng 3ha. Tuy nhiên, khu này không an toàn vì thấp, có 2 dòng suối chảy quanh, nguy cơ lũ quét. Phương án 2 là khu tái định cư nằm ở đồi sim, cách làng cũ 2km, địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước. Đây là phương án được bà con nhân dân biểu quyết 100%. Về tiến độ thực hiện, ông Trịnh Xuân Trường cho biết, ngay ngày 16/9, máy móc sẽ được huy động vào để triển khai đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù giải phóng mặt bằng, thi công. Tỉnh quyết tâm hoàn thành khu tái định cư cho 40 hộ dân bị mất nhà trước 31/12.