Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam,
Thế giới tuần qua: Xung đột, thiên tai, tai nạn gây thương vong lớn
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:07:40 07/10/2024
theo đường link
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-xung-dot-thien-tai-tai-nan-gay-thuong-vong-lon-679751.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(GMT+7) (ĐCSVN) – Tình hình ở Trung Đông tiếp tục bị kéo căng giữa lúc Iran và Israel tiếp tục đưa ra các thông điệp chỉ trích và cảnh báo lẫn nhau sau cuộc không kích diện rộng bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel. Cùng với đó, thiên tai, tai nạn gây thương vong lớn về người và của tại một số quốc gia... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua (30/9 - 6/10). Tình hình Trung Đông tiếp tục “nóng” Hệ thống Vòm Sắt của Israel đang đánh chặn các tên lửa, ngày 1/10/2024. (Ảnh: Reuters) Tình hình ở Trung Đông tiếp tục bị kéo căng giữa lúc Iran và Israel tiếp tục đưa ra các thông điệp chỉ trích và cảnh báo lẫn nhau sau cuộc không kích diện rộng bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel tối 1/10. Ngày 1/10, quân đội Israel cho biết khoảng 200 tên lửa đã được Iran bắn vào lãnh thổ Israel và nước này vẫn đang tiếp tục đánh giá tác động của các cuộc tấn công. Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari xác nhận một số tên lửa của Iran đã nhắm mục tiêu vào miền Trung và miền Nam Israel, trong khi "khá nhiều" tên lửa đã bị hệ thống phòng không của nước này đánh chặn. Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảnh báo Tehran sẽ phải trả giá. Trước đó, cũng trong ngày 1/10, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố rằng họ đã nhắm mục tiêu vào Israel bằng hàng chục tên lửa đạn đạo, đồng thời khẳng định điều này được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự vệ hợp pháp của Iran và dựa trên luật pháp quốc tế. Theo thông báo, trong số các mục tiêu bị tấn công có một số căn cứ không quân và căn cứ radar cùng với một số cơ sở mà IRGC cho là trung tâm chỉ huy và lên kế hoạch hành động quân sự của Israel. IRGC nói rằng 90% tên lửa đã bắn trúng mục tiêu. IRGC khẳng định các cuộc tấn công là để trả đũa vụ ám sát của Israel nhằm vào người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Hamas - ông Ismail Haniyeh, Tổng thư ký Hezbollah - ông Sayyed Hassan Nasrallah và chỉ huy cấp cao của IRGC Abbas Nilforoushan, cũng như việc tăng cường các "hành vi ác ý" với sự hỗ trợ của Mỹ trong các cuộc tấn công chống lại người dân Li-băng và Palestine. IRGC cảnh báo, nếu Israel trả đũa bằng cách tấn công Iran thì họ sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công "hủy diệt" hơn nữa. Trong khi đó, phong trào Houthi của Yemen và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) ở Dải Gaza cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Iran trong các cuộc tấn công chống lại Israel. Các đại diện của Houthi và Hamas hoan nghênh các cuộc tấn công, đồng thời coi đây là "một thông điệp mạnh mẽ" nhằm ngăn chặn "hành vi xâm lược" của Israel trong khu vực. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại nhiều nước * Trong những ngày qua, mưa bão, lũ lụt đã gây ảnh hưởng nặng nề về người và của tại một số quốc gia. Tại Mỹ, các quan chức Mỹ xác nhận hơn 210 người đã thiệt mạng sau khi bão Helene càn quét một số bang của nước này, khiến đây trở thành cơn bão gây mức thương vong lớn thứ hai tấn công đất liền Mỹ trong hơn nửa thế kỷ. Theo bản tổng hợp số liệu chính thức, 212 trường hợp thiệt mạng trên khắp các bang North Carolina, South Carolina, Georgia, Florida, Tennessee và Virginia, trong đó hơn 50% nạn nhân là ở North Carolina bị lũ lụt tàn phá. Bang này đang trải qua một thảm họa chưa từng có. Bão Helene gây thiệt hại lớn tại một số bang của Mỹ. (Nguồn: EPA) Tổng thống Joe Biden đã có chuyến thị sát ngày thứ hai liên tiếp tại vùng Đông Nam của Mỹ, chia sẻ mất mát với cư dân một số khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai nghiêm trọng. Bão đã gây ngập lụt tại các thị trấn và thành phố, nhấn chìm nhiều tuyến đường, làm mất điện và nước, đồng thời ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của cộng đồng. Dự kiến công cuộc tái thiết sẽ kéo dài nhiều năm. Helene là cơn bão gây nhiều thương vong nhất đổ bộ vào đất liền Mỹ kể từ sau cơn bão Katrina năm 2005 khiến 1.392 người thiệt mạng. Bất chấp hàng trăm nỗ lực cứu hộ trên khắp 6 bang và công tác ứng phó bão trên quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn nhân viên liên bang và thành viên Vệ binh Quốc gia, quân nhân và lực lượng chức năng tại các địa phương, số người chết do cơn bão này dự kiến vẫn tăng lên. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích ở các khu vực hẻo lánh. Trong khi đó, tại trung tâm thành phố, các nhà hàng và các nhóm cứu trợ đang cung cấp thức ăn và nước miễn phí. Các đội sửa chữa đang khẩn trương để khôi phục điện cho hàng trăm nghìn khách hàng. * Nepal đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ, khiến ít nhất 209 người thiệt mạng và 29 người mất tích. Theo Bộ Nội vụ Nepal, toàn bộ các khu dân cư ở thủ đô Kathmandu bị ngập lụt sau trận mưa lớn chưa từng có. Cảnh sát cho biết có 35 người bị chôn vùi do lở đất trên một đường cao tốc phía nam thủ đô. Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót và dọn dẹp đống đổ nát. Hơn 4.000 người đã được cứu bằng trực thăng, thuyền máy và bè. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang mắc kẹt trên các đường cao tốc bị chặn bởi đất đá. Khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở làng Roshi, thuộc huyện Kavre của Nepal, ngày 30/9. (Ảnh: AFP) Theo Cục Khí tượng Nepal, lượng mưa đo được tại sân bay Kathmandu đạt kỷ lục 240mm trong 24 giờ, cao nhất kể từ năm 2002. Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu và đô thị hóa thiếu quy hoạch đã làm trầm trọng thêm tác động của thảm họa này. Lũ lụt cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực cho thủ đô khi các đường cao tốc bị chặn. Các thương nhân cho biết nguồn cung trái cây và rau quả tươi đã giảm mạnh. Đây là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tại Nepal trong năm nay, nâng tổng số người thiệt mạng do các sự cố liên quan đến mưa lên hơn 300 người. Tai nạn liên tiếp xảy ra * Ít nhất 58 người đã được cứu, trong khi 78 người khác đã được xác nhận thiệt mạng khi chiếc thuyền chở 278 người bị chìm trên Hồ Kivu ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo. Theo Thống đốc tỉnh Nam Kivu Jean Jacques Purisi, vụ việc xảy ra vào ngày 3/10 và có thể phải mất ba ngày mới xác định được chính xác số người thiệt mạng. Việc tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được tiếp tục. Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Bắc Kivu cho biết, ít nhất 58 người đã được cứu sau khi vụ tai nạn xảy ra. Chiếc thuyền xuất phát từ thị trấn Minova ở tỉnh Nam Kivu đã chìm vào sáng 3/10 khi chỉ cách đích đến là bờ biển Goma khoảng 100 mét (328 feet). Các nhân chứng cho biết, khi gặp nạn, chiếc thuyền chở đầy hành khách. Chiếc thuyền bị mất thăng bằng sau đó chìm dần xuống. Sự cố này là vụ tai nạn tàu thuyền gây chết người mới nhất ở quốc gia CHDC Congo, nơi tình trạng tàu thuyền chở quá tải thường là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thảm khốc. Các nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt để giúp đỡ những người gặp nạn sau khi chiếc thuyền bị chìm gần bờ biển ở CHDC Congo. (Ảnh: DW) * Giới chức Thái Lan xác nhận, 22 học sinh và 3 giáo viên đã thiệt mạng trong vụ xe buýt bốc cháy trên đường Vibhavadi Rangsit ở tỉnh Pathum Thani, gần thủ đô Bangkok, vào trưa 1/10. Chiếc xe gặp nạn là một trong 3 chiếc xe buýt được trường Wat Khao Sangkharam ở quận Lan Sak, Uthai Thani, thuê để đưa đón học sinh (trong độ tuổi từ 3 đến 9) và giáo viên đi tham quan dã ngoại một ngày và dự kiến sẽ trở về trường vào lúc 20h cùng ngày. Tai nạn xảy ra khi chiếc xe đang trên hành trình từ Công viên Lịch sử Ayutthaya ở tỉnh Ayutthaya đến Trung tâm học tập của Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) ở tỉnh Nonthaburi. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Juangroongruangkit có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác điều tra và cứu hộ, cứu nạn. Phó Thủ tướng Anutin xác nhận, có 16 học sinh và 3 giáo viên đã được cứu thoát và đã được đưa đến bệnh viện. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ tai nạn có thể xuất phát từ một chiếc lốp xe bị nổ, khiến xe cọ xát vào rào chắn bằng kim loại, gây bắn tia lửa rồi tiếp xúc với bình nhiên liệu gây ra hỏa hoạn. Căng thẳng tại Trung Đông đẩy giá dầu hướng đến mức tăng kỷ lục Giá dầu thế giới hướng đến mức tăng kỷ lục do căng thẳng tại Trung Đông. (Ảnh: Reuters) Chốt phiên giao dịch tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,9%, lên 74,38 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,6% lên 78,05 USD/thùng. Giá dầu thế giới đã tăng trong phiên ngày 4/10 và hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất trong hơn một năm do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông ngày càng tăng. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 43 xu (0,6%) lên 78,05 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 67 xu (0,9%) lên 74,38 USD/thùng. Nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng này là căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran. Sau khi thủ lĩnh lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn bị ám sát vào tuần trước, Israel đã bị tấn công bằng tên lửa vào ngày 1/10. Sự việc đã khiến các nhà phân tích dầu mỏ cảnh báo khách hàng về nguy cơ chiến tranh bùng nổ trên diện rộng ở Trung Đông. Trước đó, vào ngày 3/10, giá dầu thế giới đã tăng vọt hơn 5% sau khi Tổng thống Joe Biden xác nhận Mỹ đang đàm phán với Israel về việc liệu có xảy ra một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran hay không. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng hơn 8%, mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2023. Còn giá dầu WTI tăng 9,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Ông Mark Rutte chính thức trở thành Tổng thư ký NATO Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. (Ảnh: AP) Ngày 1/10, Cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã chính thức trở thành Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong buổi lễ diễn ra tại trụ sở của khối ở Brussels, Bỉ. Phát biểu sau khi tiếp nhận chức vụ từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg, ông Mark Rutte bày tỏ hộ mạnh mẽ đối với Ukraine và cho biết có thể làm việc với bất kỳ ứng cử viên nào thắng cuộc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 diễn ra vào tháng 11 tới. Các quan chức và nhà ngoại giao NATO kỳ vọng ông Rutte sẽ duy trì những ưu tiên mà khối này theo đuổi dưới thời người tiền nhiệm Stoltenberg, bao gồm huy động ủng hộ cho Ukraine, thúc đẩy các nước NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng và duy trì liên kết vai trò của Mỹ với các vấn đề an ninh châu Âu. Theo giới phân tích và ngoại giao, một trong những nhiệm vụ chính của tân Tổng thư ký Rutte sẽ là thuyết phục các thành viên NATO tăng cường đóng góp binh sĩ, vũ khí và chi tiêu để hiện thực hóa đầy đủ các kế hoạch phòng thủ mới. Phát biểu khi nhậm chức, ông Rutte cũng cho rằng cần phải tăng cường hành động về mặt phòng thủ tập thể và răn đe, đầu tư nhiều hơn nữa và thu hẹp khoảng cách năng lực, hướng tới đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra. Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã khép lại hành trình lãnh đạo liên minh gồm 32 thành viên sau một thập niên đầy biến động, với diễn biến đáng chú ý nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022; việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng thúc đẩy NATO triển khai thêm hàng nghìn quân đến sườn phía Đông của liên minh và cải tổ triệt để các kế hoạch phòng thủ./. PV (tổng hợp)