Báo Công An Nhân Dân,

Thi vào lớp 10 theo chương trình mới: Môn thi thứ 3 có nên để học sinh tự chọn?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:18:07 14/10/2024 theo đường link https://cand.com.vn/doi-song/thi-vao-lop-10-theo-chuong-trinh-moi-mon-thi-thu-3-co-nen-de-hoc-sinh-tu-chon--i747106/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Như Báo CAND đã thông tin, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố Dự thảo phương án thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Đa số ý kiến ủng hộ phương án thi 3 môn nhằm đảm bảo sự thống nhất về số lượng môn thi, tránh tình trạng nơi thi 3 môn, nơi thi 4 môn như hiện nay. Tuy vậy, nhiều ý kiến phản đối việc bốc thăm môn thi thứ 3, đồng thời đề xuất 2 phương án thay thế. Phương án thứ nhất là cho học sinh được tự chọn môn thi thứ 3 nhằm đảm bảo công bằng hoặc ấn định 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Thầy Hồ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn là cuộc đua căng thẳng và kịch tính. Đây không chỉ là kết quả đậu hay hỏng của thí sinh mà còn tác động đến hoạt động dạy và học ở cấp THCS vì xưa nay ở nước ta thi như thế nào sẽ dạy và học để đáp ứng kiểu thi đó.
Với kỳ thi vào lớp 10 như hiện nay, đa số các địa phương tổ chức thi 3 môn là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, chỉ có một số ít địa phương tổ chức thi 4 môn. Ưu điểm của việc ấn định 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh hiện nay là đảm bảo sự ổn định trong thi cử song nhược điểm của phương án này là dễ dẫn đến việc học lệch khi học sinh chủ yếu tập trung vào các môn thi chính, các môn còn lại bị xem là môn phụ, nguy cơ thiếu hụt các kiến thức căn bản ở bậc THCS. Ngoài ra, việc ấn định 3 môn thi như trên cũng dễ dẫn đến sự thiếu công bằng bởi những em có năng khiếu ngoại ngữ hoặc có điều kiện đầu tư học thêm ngoại ngữ sẽ có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10 so với các học sinh còn lại.
Dự thảo phương án thi vào lớp 10 đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa.
Cũng theo thầy Tuấn, chương trình GDPT mới với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cơ cấu môn học đã thay đổi căn bản. “Nếu vẫn duy trì các môn thi vào lớp 10 như cũ thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nên cần thay đổi. Câu hỏi đặt ra là thay đổi như thế nào? Về số môn thi vẫn chỉ nên duy trì 3 môn. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Riêng môn thứ ba, thay vì cố định môn Tiếng Anh như lâu nay thì nên là một môn tự chọn.
Hằng năm các địa phương sẽ cho học sinh chọn một trong các môn văn hóa đang học ở lớp 9 làm môn thi thứ ba. Như vậy sẽ bắt buộc các trường phải chú trọng dạy đều các môn, chấm dứt tình trạng môn chính, môn phụ. Quan trọng hơn là học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với sở trường của mình để có sự cạnh tranh công bằng, đồng thời khi lên THPT các em cũng có sự lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp” - thầy Tuấn nêu quan điểm.
TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cũng đồng tình phương án để học sinh lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10. Theo phân tích của TS Lê Thống Nhất, phương án này có thể sẽ khiến công tác ra đề thi, tổ chức thi vất vả hơn song lại tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh vì các em sẽ được lựa chọn các môn thi vốn là thế mạnh, sở trường của mình.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng chương trình GDPT mới bậc THPT, khi vào lớp 10, học sinh được lựa chọn môn học phù hợp với sở trường, thiên hướng cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đồng thời, việc học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3 cũng tương thích, đồng bộ với Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới, học sinh chỉ thi 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chon trong số các môn học còn lại.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán ở Hà Nội phản đối phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 vì cho rằng, phương án này tạo áp lực, căng thẳng không cần thiết, không công bằng, không khoa học và không phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT mới. Theo đề xuất của thầy Tùng, thay vì bốc thăm, phương án lý tưởng nhất là cho học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3.
Lý do là vào bậc THPT, học sinh được chọn tổ hợp môn để học nên nếu bố trí được cho học sinh thi Toán, Ngữ văn và chọn môn tiếp theo để thi sẽ là phù hợp nhất trong dài hạn. Tuy nhiên, cái khó của phương án này là ở thời điểm hiện tại, việc tổ chức thi khá phức tạp, việc xây dựng ngân hàng đề thi cũng chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khả thi để tổ chức theo phương án này ngay trong năm nay.
Do đó, theo thầy Tùng, trước mắt nên tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh vì đây đều là những môn học “xương sống” cần cho tất cả học sinh, cần cho việc học ở bậc THPT. Ngoài ra, thi bắt buộc Tiếng Anh ở thời điểm này cũng phù hợp với kết luận số 91 của Bộ Chính trị về việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, hướng tới xây dựng thế hệ công dân toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Về môn thi vào lớp 10, quy định khung cứng của Bộ GD&ĐT là 2 môn Toán và Ngữ văn, môn thi thứ 3 nằm trong số những môn học còn lại được đánh giá bằng điểm số. Phương thức lựa chọn môn thi thứ 3 như thế nào Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu.
"Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Thông tư với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở nhưng dựa trên một số nguyên tắc là phương án đưa ra phải vừa đảm bảo quy định thống nhất quản lý nhà nước, vừa đảm bảo khoa học về đánh giá và đảm bảo đầu ra theo mục tiêu của chương trình GDPT mới, phù hợp với cấp học" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Sao chép thành công