Báo điện tử Tổ Quốc,

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp: Lo ngại bão số 4 có thể gây ra đợt lũ lụt như năm 2020 ở các tỉnh miền Trung

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo dự báo, bão số 4 nếu hình thành có thể không lớn về cường độ nhưng sẽ gây ra mưa lớn cho các tỉnh miền Trung, tập trung chủ yếu ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp với các bộ, ngành và các tỉnh miền Trung về ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão khi đi qua quần đảo Hoàng Sa
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13h chiều nay (18/9), áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 136km về phía đông, cách Đà Nẵng khoảng 530km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.
Theo ông Mai Văn Khiêm, tốc độ di chuyển của áp thấp nhiệt đới trong 5 giờ vừa qua có xu hướng chậm hơn so với hôm qua. Giảm từ 20km/h xuống còn khoảng 15km/h.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và các tỉnh miền Trung về ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 4.
"Về cường độ, đến thời điểm hiện tại, tất cả các phương án, mô hình dự báo của chúng ta cũng như các dự báo quốc tế đều nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão khi đi qua quần đảo Hoàng Sa", ông Mai Văn Khiêm khẳng định.
Về dự báo tác động áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ông Mai Văn Khiêm cho biết từ chiều tối nay, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.
Vùng ven bờ biển Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh có sóng từ 2-3m, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng 3-5m.
Đối với đất liền, ông Mai Văn Khiêm cho biết từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Từ trưa đến chiều mai, ven biển Hà Tĩnh - Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h). Sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Về mưa lớn, mưa sẽ tập trung trong hai ngày 18 và 19/9, trọng tâm mưa tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 600mm.
Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh có mưa từ 150-300mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Bên cạnh đó, hiện nay gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng cảnh báo mưa lớn từ 40-80mm, có nơi trên 150mm, nguy cơ xảy ra ngập lụt đô thị ở các tỉnh phía Nam, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên
Ở Trung Bộ đang rơi vào triều cường, buổi đêm từ 0h đến 3h, còn trưa từ 11h đến 13h. Nước dâng do bão cao nhất trong sáng mai từ 0,3-0,5m và cũng có khả năng xuất hiện sóng lừng từ chiều 18/9, điều này có thể ảnh hưởng tới lồng bè và khu nuôi trồng thủy hải sản.
"Vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi bao gồm các đảo ven bờ chịu tác động của tổ hợp triều cường, nước dâng, gió mạnh và sóng lớn ảnh hưởng đến đê kè và khu nuôi trồng thủy hải sản", ông Mai Văn Khiêm nói.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Liên quan đến tình hình lũ trên các sông, cảnh báo sẽ xuất hiện đợt lũ trên hệ thống sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, đặc biệt lưu ý khu vực sông ở Quảng Bình và Quảng Nam có thể lên mức báo động 1, báo động 2, sông nhỏ ở khu vực Quảng Trị có khả năng lên báo động 3.
"Riêng với lũ quét và sạt lở đất, theo tính toán của chúng tôi, hầu như tất cả các khu vực vùng núi đều nằm trong nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Chúng tôi sẽ căn cứ vào thông tin mưa để đưa ra cảnh báo chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn", ông Mai Văn Khiêm thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h00 ngày 18/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh.
Trong đó: 75 tàu/618 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Nghệ An 10 tàu/40 người, Đà Nẵng 33 tàu/399 người; Quảng Nam 01 tàu/07 người; Quảng Ngãi 27 tàu/148 người; Phú Yên 04 tàu/24 người).
Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm; các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024 ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thủy sản và 83 ngư dân.
Về hồ thủy điện: Bắc Trung Bộ có 09 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng từ 20-693m3/s trở lên. Nam Trung Bộ các hồ vận hành bình thường, không điều tiết qua tràn.
Về tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 39 trọng điểm (Ninh Bình 03; Thanh Hóa 01; Hà Tĩnh 05; Quảng Bình 10; Quảng Trị 05; Thừa Thiên Huế 08; Đà Nẵng 03; Quảng Nam 01; Quảng Ngãi 03); có 01 công trình đang thi công dở dang (Thừa Thiên Huế 01).
Không được phép chủ quan
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNN về ứng phó áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu kết luận cuộc họp.
Theo dự báo, bão số 4 nếu hình thành có thể không lớn về cường độ nhưng sẽ gây ra mưa lớn, tập trung chủ yếu ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng...
"Chúng tôi rất lo lắng có thể xảy ra đợt lũ lụt như năm 2020 ở các tỉnh miền Trung. Kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa qua và các cơn bão trước đây cho thấy, chúng ta đã tính toán để phòng tránh rất tốt khi bão đổ bộ để giảm tối đa thiệt hại. Tuy nhiên sau bão, mưa lớn, lũ lụt và sạt lở gây thiệt hại rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta không được phép chủ quan", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh thành tiếp tục kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào bờ, khu tránh trú neo đậu an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu vận tải cỡ nhỏ, cỡ trung bình. Tập trung rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán người dân cũng như bảo về tài sản.
"Quan ngại nhất hiện nay là ngập lụt, trong đó có ngập lụt đô thị. Các địa phương bên cạnh sẵn sàng giải pháp ứng phó với ngập lụt, cần chủ động thu hoạch ngay diện tích lúa trên đồng. Đồng thời, chủ động rà soát các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, có kế hoạch ứng phó ngay từ thời điểm hiện tại.
Các địa phương phải tập trung các giải pháp chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng đảm bảo 4 tại chỗ, đặc biệt là công an, quân đội nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Xuân Trường
Sao chép thành công