Báo SGGP Online,

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 10.000 tỷ đồng tại Tây Bắc

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:41:47 30/09/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/thu-tuong-phat-lenh-khoi-cong-tuyen-cao-toc-gan-10000-ty-dong-tai-tay-bac-post761278.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 29-9, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Thủ tướng thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trước giờ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm Căn cứ cách mạng Giằng Sèo ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Nơi đây, 79 năm trước đã diễn ra lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh những ngày tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà các đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín của huyện Đà Bắc.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022-2028; giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích 354,37ha.
Đây là công trình trọng điểm của ngành GTVT và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi bà con nhân dân huyện Đà Bắc, Hòa Bình
Dự án có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; điểm cuối tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La.
Trong đó, điểm nhấn là công trình cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Dài khoảng 1,2km, đây là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187m).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện quan trọng, mốc son đánh dấu việc phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc và sự trưởng thành của tỉnh Hòa Bình – được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án.
Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Để hoàn thành được mục tiêu này thì đến 2025, cần đạt được 3.000km và 2026-2030 phấn đấu có thêm 2.000km đường bộ cao tốc.
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm (2000-2021), trong khi thời gian chỉ bằng một nửa
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín của huyện Đà Bắc, Hòa Bình
Về hàng không, chúng ta đã khánh thành cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài; mở rộng cảng hàng không Cát Bi, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Nội Bài… và nghiên cứu mở rộng các sân bay Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang), Phù Cát (Bình Định), khai thác Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận)…
Đặc biệt, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến nay, chúng ta đã giải quyết cơ bản các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đã bàn giao 5.000ha đất, sau 3 năm thi công đã thành hình hài công trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025…
Về đường bộ, từ năm 2021 đến nay, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng thêm 858km cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.700km, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc; đồng thời, đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công thêm khoảng 1.400km đường bộ cao tốc. Cùng với đó, triển khai các dự án đường ven biển, đường Hồ Chí Minh…
Về đường sắt, chúng ta triển khai các dự án cải tạo đường sắt Bắc – Nam hiện hữu, chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 10 đã thông qua chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Về vận tải biển, chúng ta đã mở rộng, chuẩn bị triển khai các dự án tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TPHCM)…; đẩy mạnh phát triển vận tải thủy nội địa tại ĐBSCL.
Về hạ tầng năng lượng, nổi bật là hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với khối lượng lớn trong thời gian 6 tháng, trong khi các dự án tương tự trước đây phải kéo dài ít nhất từ 3-4 năm; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định để huy động nguồn lực phát triển điện gió, điện mặt trời…
Đối với vùng Tây Bắc (gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), Thủ tướng đánh giá, hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn (mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai).
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Vì vậy, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó có dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước 30-11-2024, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; rút ngắn tiến độ, hoàn thành dự án trước 31-12-2027, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu, mua bán thầu; song song với đó, xây dựng dự án giai đoạn 2 để mở rộng, đầu tư hoàn thiện dự án.
PHAN THẢO
Sao chép thành công