Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, sáng nay (30/9) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam sau 16 năm, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam và Mông Cổ là hai nước bạn bè truyền thống, nhân dân hai nước có tình cảm gắn bó mật thiết lâu đời. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)
70 năm qua, quan hệ hữu nghị hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ. Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng phát triển tích cực, hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và đặt ưu tiên trong phát triển quan hệ.
Hai bên đã thúc đẩy đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, nổi bật nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (7/1955) và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ (9/1959) đã đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hai nước.
Nổi bật là chuyến thăm Mông Cổ Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức (2000); Thủ tướng Phan Văn Khải thăm (1999) và thăm chính thức (2004); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức (2008); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức (2003); gần đây là chuyến thăm Mông cổ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang (tháng 10/2023) và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh (tháng 11/2023); đồng thời hai bên thường xuyên triển khai các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Hai bên đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1961, 1979, 2000) và dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Đặc biệt Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Mông Cổ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần trong phong trào đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Ngày nay, hai nước thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, duy trì hợp tác chặt chẽ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hợp tác trên các lĩnh vực được hai nước triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả thực chất.
Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo được một số dấu ấn nhất định. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 2,3 lần trong thời gian qua từ 4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023.
7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD. Các mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ chủ yếu là các loại nông sản, thực phẩm, cà-phê, dược phẩm, bia, một số chủng loại tân dược, hàng gỗ gia dụng, linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ…
Lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, như: Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại năm 2021; Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa năm 2022; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022...
Hai nước phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, UNESCO, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF, ASEM...; Mông Cổ đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và mong muốn phát huy những tiềm năng sẵn có để tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh, quốc phòng... Kể từ năm 1979, Việt Nam-Mông Cổ đã tiến hành 18 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ.
Hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân đều có bước tiến, nổi bật là hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 11/2023), góp phần tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước. Một hoạt động nhiều dấu ấn là năm 2009, Việt Nam - Mông Cổ đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulanbator. Chính sự kết nối về văn hóa-xã hội suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước đã giúp người dân hai nước thêm hiểu nhau, đoàn kết và gắn bó.
Qua 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều biến động. Việt Nam nhất quán coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ. Còn Mông Cổ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Mông Cổ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ, hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Mông Cổ; mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mông Cổ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.