Báo Công Thương-Tin tức kinh tế cập nhật mới nhất 24h qua,

Thương nghề đúc đồng Ngũ Xã

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:46:01 07/10/2024 theo đường link https://congthuong.vn/thuong-nghe-duc-dong-ngu-xa-350676.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ngay sau lưng nhà tôi nhưng khi ấy tôi còn nhỏ, rồi chiến tranh, rồi tôi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, rồi sống ở nước ngoài.
“Khó lắm, không làm được”
Cái tình với làng nghề vẫn ở trong tôi, cách đây hơn 20 năm trong một lần tôi từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Ứng xem ông còn duy trì nghề đúc đồng không, nhưng chưa có dịp thực hiện bài viết. Tháng 3/2024 tôi về Việt Nam một tháng để chữa bệnh mới có cơ hội đến thăm ông.
Đã hẹn, ông Nguyễn Văn Ứng “hậu duệ” của nghề đúc đồng Ngũ Xã ngồi bên cái bàn nhỏ với ấm trà cạnh cửa ra vào trên phố Trấn Vũ, cửa quay ra mặt hồ Trúc Bạch, con phố mới mở trong thời kinh tế “mở cửa” nên lòng đường hẹp. Gặp lại sau gần 20 năm, tuy ông già hơn nhưng sắc diện vẫn bình thản như xưa, ẩn chứa bề dầy bản lĩnh, có lẽ tích lũy từ thời ông là anh lính phòng không ở Sư đoàn 361 bảo vệ Thủ đô. Là chủ một gia đình có phu thê và ba “hoàng tử” được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân nhưng phong thái ông không lộ gì cái “oai” của ông chủ.
Khi xưa cố hòa thượng Thích Viên Thành (trụ trì chùa Hương) có lần nói với ông Ứng: “ Tôi đọc sau lưng bức tượng Phật A Di Đà trong chùa Ngũ Xã có tên cha ông, gia đình ông đúng là có nhân duyên làm tượng đồng… ”.
Phật nói: “ Duyên sâu thì bền, duyên mỏng thì tan ”. “Nhân duyên” thầy Viên Thành nói là chính xác với gia đình ông Ứng, nên nhiều đời trải qua bao biến thiên họ Nguyễn chuyên đúc tượng đồng của ông vẫn nhất tâm bảo tồn làng nghề Ngũ Xã, kỹ năng chinh phục được cả các vị cao Tăng của Nepal.
Đó là khoảng năm 2006, chùa Tây Thiên (ngôi chùa Ni ẩn dưới chân núi trong rừng Tam Đảo) tu theo Phật giáo Kim Cang Thừa thuộc phái Drukpa đang xây đại Bảo Tháp Mandala phải chuẩn bị nhiều loại pháp khí yểm trong Bảo tháp. Ni sư trụ trì chùa Tây Thiên liên hệ với ông Ứng đặt làm tượng Liên Hoa Sinh, theo Phật giáo Kim Cang Thừa, Phật Liên Hoa Sinh là vị tái sinh của Phật Thích Ca. Tăng đoàn Drukpa từ Nepal sang chùa Tây Thiên tổ chức Pháp hội đã đến nhà gặp ông Ứng đưa mẫu tượng nhưng thấy cơ sở sản xuất đơn sơ, hình thể ông Ứng thấp, bé, nhẹ cân, vị phó của Tu viện Drukpa khẳng định “ Khó lắm, ở đây không làm được ”. Ông Ứng không nói gì nhưng vẫn thực hiện đúc bức tượng, vài tháng sau thì bức tượng Phật Liên Hoa Sinh đúc bằng đồng đỏ cao 2,2m hoàn tất.
Được tin báo, các Lama và Khenpo (tiến sĩ Phật học Nepal) đang ở chùa Tây Thiên trên Tam Đảo trở lại nhà ông Ứng ngắm tượng, sững sờ: “ Đẹp quá. Không thể tin được Việt Nam đúc tượng đồng Liên Hoa Sinh thần thái đẹp hơn mẫu ” không có lời thẩm định nào về chất lượng chính xác bằng các vị cao Tăng Nepal. Theo ông Ứng nói, các vị ấy sau khi đánh giá cao thẩm mỹ của bức tượng rồi cả đoàn xúc động sang bên kia đường sát hồ Trúc Bạch chắp tay vái trụ sở của ông Ứng, có lẽ các vị ấy nhận thấy trong phòng trưng bày các tượng Phật có nhiều năng lượng cát tường.
Hơn 10 năm trước, tôi có lần đến thăm ông Ứng thấy tượng đồng Liên Hoa Sinh ở phòng trưng bày cứ ngỡ là ông mua về để… thờ. Năm 2011, tôi được Ni sư trưởng chùa Tây Thiên cho phép vào thăm mật thất của chùa, thấy tượng Liên Hoa Sinh trên núi lại tưởng chùa chuyển từ Nepal về, giờ mới biết đều là do xưởng ông Ứng làm.
Tượng Phật vùng Hymalaya hình hài, pháp phục, mũ, pháp khí đều nổi nhiều chi tiết khác hoàn toàn tượng của Phật giáo khác, đúc tượng cực khó. Ngoài tượng Liên Hoa Sinh, gia đình ông Ứng còn đúc tượng Quán Âm Tứ Thủ (Quan Âm bốn tay), tượng A Di Đà, tượng Di Lặc, 16 vị La Hán, các vị Đại thành tựu của phái Nyingma… Phật giáo Mật tông.
Không bán nghề
Tôi ngắm kỹ từng bức tượng bày trong phòng, dừng lâu trước bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh phong thái vừa đi vừa vẫy tay… tôi hồi tưởng thập niên 1960, tuổi thơ của tôi mấy lần theo người lớn tới phố Phan Đình Phùng chờ đón Bác Hồ rước các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Hà Nội. Đoàn xe từ sân bay Gia Lâm qua cầu Long Biên rồi chạy từ từ trên phố Phan Đình Phùng về hướng Quảng trường Ba đình, Bác đứng trong xe mui trần liên tục vẫy chào rừng người đứng kín hai bên hè phố vẫy cờ hoa reo mừng. Tượng đúc từ nguyên mẫu ảnh cụ Hồ mà như Bác hiển lộ trong ánh hào quang với gương mặt trí tuệ lỗi lạc giàu cảm xúc của thần tượng kiệt xuất thơ phú và nghệ thuật. Tượng thì tịnh mà tâm khảm tôi cảm giác như có nhạc “ Tiến quân ca… ” trầm hùng và nhớ đến giọng ấm áp của Người “ Tôi nói đồng bào nghe rõ không?... ” nguồn lịch sử từ quảng trường Ba Đình chảy về.
Kính ngưỡng Người nên gia đình ông Ứng chú tâm phục dựng nhiều kim thân của Bác với tư thế khác nhau, gia đình ông nổi tiếng đúc hình tượng Cụ Hồ bằng tượng đồng nhiều nhất, chất lượng mỹ thuật được đánh giá cao.
Rời quân ngũ trở về, may mà tóc còn xanh, năm nào ông Ứng cũng đúc tượng Bác, có năm đúc mấy tượng liền. Có tượng cao bằng người thật của Bác, các tượng nhỏ 20 cm nhiều khách thỉnh về để trên bàn làm việc. Từ lâu, trong Nhà Quốc Hội có chân dung bằng đồng của Bác do anh Nguyễn Thanh Tuấn con trai ông Ứng thực hiện. Khi xưa còn sống, ông Nguyễn Văn Tiếp là thân sinh của ông Ứng ước có cơ hội đúc tượng đồng Bác Hồ. Đúng là có “nhân duyên”, ước là được.
Không thể quên 10 cô gái hy sinh trên Ngã ba Đồng Lộc, năm 2002 UBND Hà Tĩnh và lãnh đạo báo Lao Động khởi tâm muốn đại diện cho đồng bào cả nước tri ân 10 cô gái để xây dựng khu tưởng niệm 10 thiếu nữ. Trong quần thể khu tưởng niệm có tháp chuông 7 tầng, một chuông đồng được đúc 5,6 tấn đồng đỏ do gia đình ông Ứng làng Ngũ Xã thực hiện. Quả chuông cao 3,6m, vành rộng 1,95m điêu khắc cánh hoa sen, sát miệng chuông khắc hoa văn nổi li ti màu đồng xanh. Tiếng chuông u huyền là linh hồn của 10 thiếu nữ Đồng Lộc trở nên bất tử.
Tiếng tăm kỹ năng đúc tượng đồng nguyên khối của gia đình ông Ứng lan xa, một người môi giới cho vị khách Trung Quốc gặp ông Ứng muốn ông truyền “bí quyết” nghề đúc đồng nguyên khối, ông Ứng nói: “ Tôi không bao giờ bán nghề của dân tộc tôi, nó là báu vật từ nghìn năm của đất Việt chúng tôi ”.
Bảy thập kỷ trước có lẻ, năm 1952 Hòa thượng Lý Quốc Sư khởi tâm đúc tượng Phật A Di Đà, tất cả thợ đúc đồng làng Ngũ Xã trong đó có cha của ông Ứng là Nguyễn Văn Tiếp chung sức đúc tượng. Tượng cao 3,95m, nặng 10 tấn, hình tướng Phật tọa thiền trên đài sen 96 cánh, an vị tại chùa Thần Quang phố Ngũ Xã. Đặc biệt, tượng Phật A Di Đà đúc đồng nguyên khối. Gia đình ông Nguyễn Văn Ứng trải qua nhiều đời đúc đồng vẫn nương theo kỹ năng của sư tổ nghề, tượng đồng loại nào cũng đúc nguyên khối.
Thực tế trên thế giới, nhiều bức tượng lớn đúc nguyên khối nhưng bằng đá, khi họ đúc tượng đồng phải làm từng phần rồi hàn lại, kể cả Nepal nổi tiếng đúc tượng đồng ở Châu Á từ hàng ngàn năm trước cũng làm vậy, vì dễ sản xuất và nhanh hơn. Riêng ông Ứng đã làm đúng “thương hiệu” truyền thống đúc tượng đồng nguyên khối của Sư tổ nghề trở thành cơ sở đúc đồng độc đáo của Ngũ Xã, tượng có ý nghĩa đặc biệt, có định nghĩa riêng, được săn đón nhiều.
Đêm đêm ông Ứng nhướng mắt lên trần nhà suy ngẫm, muốn cho đời sau trong gia đình học hỏi thêm công nghệ đúc đồng để phát triển mà… đúc đồng không phải nghề làm giàu, nghề khó mấy, cực mấy vẫn làm được nhưng muốn cho con cháu học hỏi thêm thì không có điều kiện. Nếu nghề đúc đồng Ngũ Xã dần mờ nhạt thì gia đình ông có lỗi với di sản đúc đồng nghệ thuật của dân tộc. Người ta thấy ông Ứng và ba người con của ông ít khi… cười.
Nepal là quốc gia không giàu hơn Việt Nam, Chính phủ nước này đã quyết định bảo tồn di sản nghề đúc đồng bằng việc bảo trợ cho nghề này. Nhờ vậy, nghề đúc đồng của Nepal ngày càng thăng hoa, thu hút du khách khắp thế giới tìm mua các sản phẩm đúc đồng.
Tất cả tác phẩm đúc đồng của gia đình ông Ứng ra lò trong cái xưởng sơ xài như… làng từ 500 trăm năm trước, nhưng đẳng cấp đúc tượng đồng không thua bất cứ nước nào trên thế giới.
Nên chăng, Hà Nội có “Hội mỹ thuật đúc đồng” sẽ là nơi các thành viên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hiến kế cùng phát triển nghệ thuật đúc đồng Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tổ chức những buổi giao lưu với các chuyên gia trong nước và thế giới. Mở lớp dạy nghề đúc đồng, tạo nguồn nhân tài là tạo đà cho sản phẩm đúc đồng xuất khẩu trong tương lai.
Trân Bảo (CHLB Đức)
Bạn thấy bài viết này thế nào? Kém Bình thường Hứa hẹn ★★★
Tốt ★★★★
Rất tốt
Sao chép thành công