Nội dung liên quan Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lạng Sơn, Tỉnh Lạng Sơn, Tin Trong Nước
Báo điện tử Tổ Quốc,
Tích cực chuẩn bị cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
13:05:46 28/09/2024
theo đường link
https://toquoc.vn/tich-cuc-chuan-bi-cho-ngay-hoi-van-hoa-the-thao-va-du-lich-cac-dan-toc-vung-dong-bac-lan-thu-xi-20240927193556512.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Chiều 27.9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) đã chủ trì cuộc họp BCĐ, Ban Tổ chức (BTC) Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024. Đồng chủ trì có ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng BTC Ngày hội. Cùng dự có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL và đại diện các tỉnh/thành phố có đoàn tham dự Ngày hội. Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 2.11 – 4.11 tại TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Ngày hội có sự tham gia của 8 tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các hoạt động thể hiện rõ tinh thần đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc với cộng đồng các dân tộc Việt Nam Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Ngày hội năm nay lấy chủ đề Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa. Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội gồm trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; triển lãm ảnh Đại gia đình các dân tộc vùng Đông Bắc - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thi đấu kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; hội thảo khoa học Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – Khơi nguồn và phát triển… Điểm nhấn của Ngày hội là Lễ khai mạc diễn ra vào tối ngày 2.11 tại sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương (TP Lạng Sơn). Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị cho Ngày hội, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, bám sát kế hoạch của Bộ VHTTDL, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đang được tỉnh Lạng Sơn tích cực triển khai. Trong đó đối với công tác truyền thông, UBND các huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá về sự kiện. Ông Nguyễn Đặng Ân mong muốn Ngày hội sẽ nhận được sự quan tâm, tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định, Ngày hội là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của đất và người xứ Lạng, đồng thời góp phần định vị thương hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn đến du khách trong và ngoài nước Đối với chương trình khai mạc, bế mạc, cơ quan chuyên môn của tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng khung kịch bản chương trình nghệ thuật. Trong quá trình xây dựng kịch bản, Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi Sở VHTTDL các tỉnh đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về văn hoá, con người và đề xuất các bài hát nổi tiếng cùng nghệ sĩ thể hiện các ca khúc, để ê-kíp sáng tạo nghiên cứu, đưa vào kịch bản; góp phần đảm bảo chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất về những phần việc trọng tâm như phương án đón tiếp, bố trí ăn nghỉ cho đại biểu, các đoàn tham dự; góp ý về kịch bản chương trình; phương án tổng duyệt các tiết mục tham gia chương trình khai mạc, bế mạc; công tác truyền thông; việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất khác… Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những ý kiến đóng góp nhằm hoàn tất các công việc chuẩn bị cho Ngày hội. Thứ trưởng đánh giá, công tác chuẩn bị về cơ bản đạt tiến độ, chất lượng đề ra. Với mong muốn hướng đến một Ngày hội thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, cũng như người dân, du khách, Thứ trưởng đề nghị Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) và UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, rà soát các nội dung, hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, không để xảy ra sai sót. Ngày hội phải diễn ra trang trọng, quy mô, thể hiện đúng chủ đề. Các hoạt động phải gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, khu vực và địa phương; phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các hoạt động thể hiện rõ tinh thần đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc với cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thể hiện tinh thần chia sẻ với đồng bào các dân tộc đã phải chịu những mất mát to lớn do bão Yagi và trận lũ lịch sử vừa qua gây ra. Cùng với đó là tinh thần vượt khó, vươn lên của đồng bào các dân tộc nhằm đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia. Một trong những nội dung được Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đặc biệt lưu ý là chương trình nghệ thuật của buổi Lễ khai mạc. Thứ trưởng nêu rõ, các tiết mục nghệ thuật trong chương trình cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng, có điểm nhấn, chọn những chi tiết đắt giá nhất để thể hiện những nét đặc trưng trong văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Phần lời bình, hình ảnh phải phù hợp với tiết mục, khắc họa rõ nét dấu ấn văn hóa vùng miền của các tỉnh tham dự Ngày hội. Công tác hợp luyện, rà soát hình ảnh, âm thanh diễn ra nghiêm túc, khẩn trương, đúng tiến độ. Đối với công tác truyền thông, Thứ trưởng đề nghị cần được triển khai rộng rãi, trước, trong và sau sự kiện. Quang cảnh cuộc họp Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo cùng các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định, Ngày hội là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của đất và người xứ Lạng, đồng thời góp phần định vị thương hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn đến du khách trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng là hoạt động thiết thực nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ông Dương Xuân Huyên thông tin hiện tại, tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nhiệm vụ. Những ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu, cụ thể hóa theo hướng phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn. Về chương trình khai mạc, ông Dương Xuân Huyên cho biết, kịch bản vẫn đang được lấy ý kiến của từng địa phương. Chương trình sẽ khích lệ tinh thần đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc đoàn kết, vượt qua khó khăn, chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ để công tác chuẩn bị cho Ngày hội diễn ra chu đáo, hiệu quả. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là sự kiện có quy mô lớn nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ngày hội giới thiệu những tiềm năng về văn hoá, thể thao và du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đông Bắc nhằm góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở các địa phương; chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4.11.1831 – 4.11.2024) và 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4.11.1909 – 4.11.2024). Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Ngày hội nhằm quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, thúc đẩy hiểu biết, tăng cường nhận diện, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu.