Nội dung liên quan Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước

Báo điện tử Tổ Quốc,

Tìm giải pháp để xe buýt, metro Hà Nội thêm hút khách

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 20:17:09 27/09/2024 theo đường link https://toquoc.vn/tim-giai-phap-de-xe-buyt-metro-ha-noi-them-hut-khach-20240926192844009.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Ngày 26/9, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?". Thời gian đi lại của hành khách chưa được đáp ứng
Theo thống kê, hiện nay Hà Nội hiện có 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá,13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn.
Từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, Metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong khi đó, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đáp ứng 22 - 25% nhu cầu đi lại. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025.
Các khách mời tham gia tọa đàm
Theo Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội Phạm Đình Tiến, ước đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, lượng hành khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70% sản lượng. Tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến, song vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng đặt ra.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ đáp ứng VTHKCC tại Hà Nội thấp, ông Phạm Đình Tiến cho rằng, do đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020 đến gần cuối năm 2022 tác động nghiêm trọng đến VTHKCC; tiến độ đưa vào vận hành hệ thống đường sắt đô thị chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay mới chỉ có tuyến 2A và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác; thành phố đang triển khai một số công trình trọng điểm, thời gian vận hành của xe buýt vì thế bị ảnh hưởng và do cơ sở hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thời gian đi lại của hành khách chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đồng quan điểm trên, theo TS Phan Lê Bình chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực VTHKCC, hiện nay thành phố Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng ngàn tỷ đồng. Về ưu điểm, xe buýt cũng như đường sắt đô thị có nhiều điểm thuận lợi như an toàn, không chịu nắng gió, riêng đường sắt đô thị còn là đúng giờ. Tuy nhiên, các phương tiện công cộng có chung nhược điểm là hành khách phải đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện khác ở hai đầu chuyến đi nên sẽ cộng thêm thời gian lữ hành, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại.
Tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến, song vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng đặt ra (ảnh minh họa)
Qua đó, TS Phan Lê Bình nhấn mạnh: "Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên hạ tầng để rút ngắn thời gian đi lại. Chúng ta chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như tuyến BRT".
Làm thế nào để hút khách?
Trước thực trạng đó, để VTHKCC (xe buýt, tàu điện) thu hút khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nghiêm Thắng cho cho biết, cần tập trung vào 4 yếu tố, đó là rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của VTHKCC ở Hà Nội đang ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/h, tuy nhiên, tới đây, cần tiếp tục giảm mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân. Nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe đối với hành khách. Hiện nay, nhiều tuyến xe buýt, nhân viên có thái độ phục vụ rất tốt như Bảo Yến, Vinbus, và đặc biệt Metro Hà Nội, được người dân đánh giá cao. Cần phải phát huy hơn và làm tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phương tiện, hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, đổi mới phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi. Tôi cho rằng, với chủ trương của nhà nước tới đây sẽ thay thế phương tiện VTHKCC bằng phương tiện xanh, chất lượng sẽ ngày càng nâng cao. Cuối cùng, chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ khách của VTHKCC, đi đôi với chất lượng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội TS Vũ Hồng Trường cho rằng, để xe buýt, metro hút khách hơn, giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ. Hiện giá cả đã có chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác, khi đi trên xe buýt.
Để hút khách tham gia vận tải hành khách công cộng, thái độ phục vụ là điều rất quan trọng (ảnh minh họa)
Với metro, TS Vũ Hồng Trường cho rằng, nên phấn đấu trở thành phương tiện yêu thích của người dân, không chỉ vì tính tiện lợi, an toàn, thời gian mà quan trọng là phương tiện xanh, góp phần bảo vệ thủ đô xanh sạch đẹp, tiến tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Từ đó, khai triển ra giải pháp luồng tuyến, phương tiện, quản lý điều hành, giám sát, cơ chế chính sách, tuyên truyền…
Còn với xe buýt, TS Vũ Hồng Trường chỉ ra phương tiện này có hai ưu điểm là tính linh hoạt luồng tuyến, đa dạng hóa hình thức phục vụ rất cần phát huy. Có nơi, họ dùng xe buýt linh hoạt. Vào giờ cao điểm, họ dùng xe buýt lớn còn giờ bình thường họ sẽ dùng xe buýt nhỏ, thông qua ứng dụng, để đón khách.
"Đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là một gia đình nếu phối hợp với nhau thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe" – TS Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.
Còn theo TS Phan Lê Bình, một biện pháp khác mà ông nhận thấy rất khả thi nhưng đến nay chưa thực hiện đó là những tuyến đường do thành phố bỏ chi phí đầu tư mở rộng làm thêm làn đường thì làn đó không dành cho ô tô xe máy mà phải dành cho phương tiện công cộng.
"Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý phối hợp với địa phương giải quyết vấn đề trước mắt đó là việc xe buýt sống chung với địa điểm tập kết rác. Việc người sử dụng phương tiện công cộng khi bước lên xe buýt phải ngửi mùi rác, giẫm chân lên nước thải thì rất mất vệ sinh và khó hút được khách. Tình trạng này không nhiều nhưng thực tế là có và rất cần thay đổi" – TS Phan Lê Bình chia sẻ thêm./.
Sao chép thành công