Báo Sức Khỏe & Đời Sống,

Tỉnh Thừa Thiên Huế nói gì về việc tàu liên tục trật ray?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 02:50:12 05/10/2024 theo đường link https://suckhoedoisong.vn/tinh-thua-thien-hue-noi-gi-ve-viec-tau-lien-tuc-trat-ray-169241004182740351.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
SKĐS - Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải để có kế hoạch kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể nhằm có giải pháp giải quyết tình trạng tàu trật ray. Ngày 4/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện phần mềm mạng lưới phát ngôn và họp báo thường kỳ quý III năm 2024.
Trả lời câu hỏi về việc liên tiếp xảy ra các vụ tàu trật bánh khỏi đường ray tại địa bàn huyện Phú Lộc, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, các cơ quan chức năng vừa tiến hành kiểm tra, tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá, rà soát nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu.
Theo ông Thắng, tuyến đường sắt qua địa bàn huyện Phú Lộc có địa hình đồi núi, đường cong lớn, hệ thống tang ghi hiện nay xuống cấp... Nhận định ban đầu, đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tàu trật bánh thời gian vừa qua.
Về giải pháp, trước mắt trong thời gian chưa thể đầu tư, thay thế tức thời, các đơn vị quản lý đường sắt qua địa bàn Phú Lộc theo trách nhiệm, thẩm quyền, đề xuất hoặc quyết định biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, khắc phục tồn tại, bất cập.
Ông Lê Toàn Thắng phát biểu.
Về lâu dài, có kế hoạch đề xuất đầu tư triển khai sửa chữa tang ghi N10 tại ga Lăng Cô và các ga đường sắt ray nhỏ để khai thác chạy tàu. Cải tạo hạ tầng đường sắt, các đường cong bán kính nhỏ. Thay ray, tà vẹt, các ghi cũ, lạc hậu có yếu tố kỹ thuật vi phạm quy trình tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất bố trí chạy tàu với tốc độ phù hợp qua các quãng đường xung yếu. Đề xuất đầu tư sửa chữa nâng cấp các toa xe đường sắt đưa vào khai thác, vận hành đảm bảo an toàn.
"Trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải để có kế hoạch kiểm tra nhằm đưa ra những nguyên nhân cụ thể hơn, qua đó có những giải pháp phù hợp để giải quyết bất cập", ông Thắng nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh có ý kiến trực tiếp với cơ quan quản lý đường sắt để có báo cáo đánh giá khoa học, chính thức về nguyên nhân tàu trật ray nhiều lần trên một cung đường.
"Tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về nội dung này. Đề nghị huyện Phú Lộc phối hợp, tuyên truyền người dân, các cơ quan liên quan có biện pháp bảo đảm an toàn trong thời gian tới", ông Bình nói.
Trong vòng 2 tháng, trên địa bàn Thừa Thiên Huế xảy ra 6 vụ tàu trật ray.
Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, từ ngày 28/7-28/9 trên tuyến đường sắt qua địa bàn huyện Phú Lộc liên tiếp xảy ra 6 vụ tàu trật ray, trong đó riêng ngày 28/9 xảy ra 2 vụ.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế gửi UBND tỉnh, đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn có chiều dài 111,1km đi qua 11 xã, 18 phường và 3 thị trấn của 2 huyện, 2 thị xã và TP Huế.
Từ ngày 28/7-28/9, xảy ra nhiều sự cố giao thông đường sắt, trật bánh đoàn tàu có tính lập lại và thuộc khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng là cảnh báo không thể xem nhẹ vì chưa biết hậu quả tiếp theo sẽ như thế nào nếu sự cố tiếp tục xảy ra.
Sao chép thành công