Báo điện tử Kinh tế & Đô thị,

Tình trạng đáng lo ngại ở núi Mang Kà Muồng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:07:52 05/10/2024 theo đường link https://kinhtedothi.vn/tinh-trang-dang-lo-ngai-o-nui-mang-ka-muong.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hà Phương
Chia sẻ
Kinhtedothi- Khu vực núi Mang Kà Muồng đã xuất hiện các vết nứt và trượt đất lớn, thuộc nhóm nguy cơ sạt lở cao, cần có phương án ứng phó kịp thời.
Nguy cơ ngày càng cao
Thời gian qua, núi Mang Kà Muồng (thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã xuất hiện các vết nứt, ngày càng mở rộng, khiến người dân lo lắng.
Khu vực trường mầm non và các hộ dân đang bị đe dọa bởi vết nứt, sạt trên núi Mang Kà Muồng.
"Khi xuất hiện vết nứt, gia đình tôi rất lo lắng vì nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính quyền địa phương đã kiểm tra và thông báo đến người dân rằng khi có mưa lớn, phải di chuyển các vật dụng quan trọng và tìm nơi trú ẩn an toàn."- ông Đinh Văn Ôn (ở thôn Nước Tang) chia sẻ.
Ông Đinh Văn Thang, Trưởng thôn Nước Tang, cho biết tình trạng sạt lở gần nhà văn hóa thôn đã xuất hiện từ cuối năm 2023, tuy nhiên chưa ảnh hưởng nhiều đến khu vực lân cận. Hiện nay, sau các đợt mưa lớn, nguy cơ sạt lở đang cao hơn.
Vết nứt, sạt có nơi đã cao quá đầu người.
“Mong các cấp sớm triển khai các biện pháp khắc phục để đảm bảo về tài sản và tính mạng cho người dân trong khu dân cư Mang Kà Muồng”- ông Thang nói.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Sơn Hà, tại núi Mang Kà Muồng đã xuất hiện điểm sạt lở, với diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 1.500m².
Cận cảnh vết nứt trên núi Mang Kà Muồng.
Các vết nứt dài khoảng 30cm, có nơi dài đến 60cm, nhiều đoạn sụt lún và trượt, đặc biệt là ở thân sườn đồi, đe dọa trực tiếp tuyến đường ĐH77 đi hồ Nước Trong, nhà văn hóa thôn, điểm Trường Mầm non Hướng Dương (gồm 27 trẻ và 1 giáo viên), 4 hộ dân dưới chân núi và hơn 1.500m² đất nông nghiệp.
Ngoài ra, sạt lở còn đe dọa cuộc sống của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7 và điểm Trường Tiểu học Sơn Bao.
Cần có phương án ứng phó
Trong chuyến kiểm tra thực tế tại núi Mang Kà Muồng vào đầu tháng 10/2024, ông Đinh Văn Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, cho biết: "Kể từ lần kiểm tra cuối tháng 9, các vết nứt đã lan rộng. Ban đầu, vết nứt chỉ dài khoảng 1,5m, nhưng hiện tại đã lên đến 2-2,3m. Từ điểm đường ĐH77 đến đỉnh núi, có những vết nứt dài đến 60m, một số đoạn dài 45m, với thân sườn núi bị nứt ngang."
Các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tình hình nứt, sạt trên núi Mang Kà Muồng.
Ông Sen cũng cho biết thêm, các vết nứt trên núi Mang Kà Muồng được phát hiện sau những trận mưa cuối năm 2023. Đến cuối tháng 8 và tháng 9/2024, khi xã Sơn Bao kiểm tra, phát hiện vết nứt đã lan rộng.
"Chúng tôi đã di dời lớp học tại Trường Mầm non Hướng Dương đến điểm Trường Tiểu học Sơn Bao. Khi có mưa lớn, chính quyền sẽ tiếp tục di dời người dân đến nơi an toàn, khuyến khích người dân tạm trú tại nhà người thân ở những khu vực cao hơn." - ông Sen chia sẻ.
Vết nứt, vết trượt đất ở núi Mang Kà Muồng thuộc nhóm nguy cơ sạt lở cao.
Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, nhận định: "Khu vực núi Mang Kà Muồng đã xuất hiện các vết nứt và trượt đất lớn, thuộc nhóm nguy cơ sạt lở cao, cần có phương án ứng phó ngay."
Ông Hùng đề xuất 2 giải pháp để phòng chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Biển cảnh báo được cắm ở đầu điểm sạt lở.
Phương án trước mắt là cắm biển cảnh báo tại hai đầu điểm sạt lở để người dân chú ý, và chính quyền sẽ phân công người trực tại các điểm nguy hiểm, thông báo kịp thời tình hình qua các nhóm Zalo, và thông báo diễn biến tại các trạm đo mưa.
Sau mỗi đợt mưa, cần quan sát kỹ tình trạng của núi Mang Kà Muồng trước khi cho phép người dân quay trở lại. Đồng thời, để hạn chế nguy cơ sạt lở, cần vận động người dân tạm dừng khai thác keo, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Về lâu dài, các sở ngành cần tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi để đề xuất đầu tư khu tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Sao chép thành công