Nội dung liên quan Xã Đường Lâm, Thị Xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo điện tử Đại biểu nhân dân,
Tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Bài 2: Đặt văn hóa vào trọng tâm phát triển
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
10:50:38 05/10/2024
theo đường link
https://daibieunhandan.vn/toa-sang-gia-tri-van-hoa-nghin-nam-bai-2-dat-van-hoa-vao-trong-tam-phat-trien-post392202.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân Nhằm khẳng định vị thế một thành phố văn hóa, lịch sử, hiện đại và hấp dẫn, Hà Nội đang không ngừng nỗ lực lưu giữ, khôi phục, phát huy sức mạnh của nguồn lực văn hóa. Gìn giữ, vun đắp, lan tỏa giá trị Tròn 70 năm giải phóng, Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển văn hóa. Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS. Lê Hồng Lý, Hà Nội mang trong lòng kho tàng di sản văn hóa dồi dào song không “đóng đinh” nó. Có thể thấy nhiều địa chỉ văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm…; nhiều hoạt động văn hóa đóng vai trò quan trọng trong các chương trình du lịch của thủ đô, như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"... Đặc biệt, hoạt động phục hưng lễ hội truyền thống diễn ra mạnh mẽ trên khắp địa bàn thủ đô. Lễ hội làng xưa đã thành hội phố, hội làng trong phố… đang được duy trì theo lối riêng. Một mặt, Hà Nội cố gắng khôi phục những nghi thức từng mai một, duy trì những giá trị vốn có của lễ hội xưa; mặt khác sáng tạo những nội dung mới phù hợp với đời sống hiện đại. Có thể kể đến lễ hội chùa Láng năm 2023 được phục dựng, thực hành các nghi thức từng làm nên nét đặc sắc của vùng đất Thăng Long. Hay các lễ hội đền Đồng Cổ, Thập tam trại, Tản Viên Sơn Thánh… nhiều năm trở lại đây cũng phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống. Lễ hội làng xưa đã thành hội phố, hội làng trong phố Hà Nội… đang được duy trì theo lối riêng. Nguồn: TCNA Đáng chú ý, tại khu phố cổ Hà Nội - nơi chứa đựng kho tàng di sản vật thể, phi vật thể đa dạng, trong vài năm trở lại đây đã giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích; bảo tồn được 24 nhà ở có giá trị. Nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, giới thiệu nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Hà Nội ngày càng tận dụng lợi thế vị trí trung tâm, dễ dàng kết nối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm hấp dẫn của nhiều sự kiện văn hóa quốc tế. Nhiều liên hoan phim, lễ hội âm nhạc, tuần lễ văn hóa các nước, triển lãm nghệ thuật, hội nghị quốc tế về văn hóa được tổ chức ở thủ đô, trên tinh thần mang thế giới đến với Hà Nội và mang Hà Nội đến với thế giới… Kết nối để thăng hoa là điều mà nhiều người thấy được qua cách triển khai những chương trình giới thiệu, quảng bá ẩm thực Hà Nội. Cùng với các tuyến phố ẩm thực chuyên biệt, thành phố đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình quảng bá ẩm thực gắn với du lịch trên các kênh truyền thông quốc tế. Nhiều sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa gắn với tôn vinh, quảng bá văn hóa ẩm thực được tổ chức, trong đó Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đã trở thành thương hiệu. Ngoài ra, Hà Nội còn có các mô hình trải nghiệm văn hóa ẩm thực Hà thành như trải nghiệm ẩm thực Đường Lâm, tham quan làng gốm - thưởng thức cỗ Bát Tràng… Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh phân tích: “Ẩm thực Hà Nội không chỉ hấp dẫn ở màu sắc, hương vị món ăn mà còn ở cả tri thức, kỹ thuật, bí quyết nhà nghề và những câu chuyện xung quanh, thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa. Việc nhấn vào những giá trị ấy là cách góp phần khẳng định bản sắc ẩm thực Hà thành”. "Phải giữ được bản chất cội rễ của mình" Những điều cơ bản làm nên một Hà Nội như chúng ta từng kiêu hãnh là thiên nhiên, kiến trúc, ngôn ngữ, phong cách, thời trang, ẩm thực… Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ ra, Hà Nội có khu phố, ngõ phố cổ, làng nghề ngoại ô, những hồ nước huyền thoại, phong cách sống tao nhã… Nếu khu phố cổ được bảo tồn và kết hợp với sự phát triển đô thị văn minh hay vùng thiên nhiên và văn hóa quanh hồ Tây thì bây giờ, chúng ta đã có những viên ngọc thật sự mang vẻ đẹp của đất kinh kỳ! “Tôi đã đến thăm một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và tôi thật sự kính phục cách họ bảo tồn những vẻ đẹp làm nên Kyoto, Tsungmago, Nara, Seoul, Busan, Gwangu… Hai quốc gia này là hai quốc gia phát triển nhất của châu Á nhưng họ gìn giữ vẻ đẹp truyền thống một cách tuyệt vời” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hà Nội xác định phải là trung tâm của văn hóa trước tiên. Hầu hết thủ đô trên thế giới như Paris, Washington, Tokyo, Seoul… đều là những trung tâm văn hóa chứ không phải trung tâm kinh tế. Hà Nội không phải là nơi cố gắng xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại… mà phải là các vùng văn hóa và trung tâm văn hóa. "Chỉ khi Hà Nội hiểu được giá trị vô tận hay là sức mạnh vô tận của văn hóa, đặc biệt là văn hóa Hà Nội thì mới giữ lại được những vẻ đẹp đang ở giữa ranh giới của sự mất - còn; và Hà Nội phải kịp thời dừng lại những hành động trong cái gọi là phát triển để không gián tiếp làm biến mất những vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa riêng có". “Có ai lại không muốn Hà Nội ngày càng tươi đẹp hơn, đáng sống hơn! Nhưng Hà Nội dù giàu đẹp, hiện đại đến mấy, thì vẫn phải giữ được bản chất cội rễ của mình. Nếu phát triển nhanh mà bị lai tạp, mất bản sắc riêng, thì không thể có gì bù lại được!” Bày tỏ như vậy, nhà thơ Bằng Việt cho rằng hiện nay, đáng mừng là người dân dần có ý thức bảo tồn truyền thống, “đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể xã hội… có chung ý chí giữ gìn các giá trị bền vững của cố đô Thăng Long nghìn năm văn hiến, kết hợp hữu cơ với các giá trị của văn hóa Hà Tây, tức vùng văn hóa cổ xứ Đoài. “Điều khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, người yêu Hà Nội trăn trở là làm sao Hà Nội giữ trọn các giá trị đạo đức, tính văn minh, thanh lịch của vùng đất kinh kỳ; dù kinh tế phát triển đến đâu, văn hóa vẫn phải là yếu tố đi song song và đồng bộ”. Hải Đường Thảo Nguyên