Báo SGGP Online,

Tổng cục Thuế đối thoại với doanh nghiệp 5 tỉnh thành phía Nam

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 00:46:13 28/09/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/tong-cuc-thue-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-5-tinh-thanh-phia-nam-post760947.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 27-9, tại TPHCM, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế 5 tỉnh thành phía Nam, gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.
Hội nghị tổ chức tại TPHCM, đồng thời phát trực tiếp đến tất cả Cục thuế tỉnh thành cả nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh, Tổng cục Thuế tổ chức chương trình đối thoại này trên tinh thần cầu thị lắng nghe không né tránh, với mục tiêu thực sự mong muốn được trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong thực hiện các chính sách thuế. Đồng thời lắng nghe các kiến nghị của người nộp thuế để báo cáo cấp thẩm quyền hoàn thiện chính sách.
Việc phát trực tiếp đến điểm cầu Tổng cục Thuế và 62 cục thuế các tỉnh thành trên cả nước, là nhằm lan tỏa tinh thần toàn ngành thuế cầu thị lắng nghe, giải quyết vướng mắc để các cơ quan thuế các cấp nghiên cứu giải quyết các vướng mắc tương tự.
Chủ tọa hội nghị đối thoại. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Ban tổ chức cho biết trước khi diễn ra hội nghị đối thoại đã nhận được 226 câu hỏi từ người nộp thuế về các nội dung như thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoàn thuế GTGT, hóa đơn, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế nhà thầu, lĩnh vực đất đai và một số nội dung về thủ tục thuế, xử phạt vi phạm hành chính… Có hơn 300 đại diện doanh nghiệp tham dự chương trình.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Đại diện Công ty TNHH Saigon PTS cho biết, công ty chuyên xuất khẩu hàng gốm sứ, mua hàng từ các nhà cung cấp ở khắp các tỉnh thành. Hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ từ tháng 4-2021 đến tháng 6-2022 đã được xác minh. Tuy nhiên, đại diện công ty phản ánh do vướng mắc ở việc xác định tỷ lệ khoáng sản, mà cơ quan thuế TPHCM “lúng túng trong xử lý”.
Hướng hiện nay là doanh nghiệp phải chờ đến khi tất cả hơn 20 nhà cung cấp ở các địa phương mới xác định được, thì không biết phải chờ đến bao lâu. Và sẽ còn vướng ở kỳ hoàn sau nữa. “Mong Tổng cục Thuế có hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương có hướng giải quyết sớm hơn”, đại diện Công ty PTS nói.
Đại diện Công ty PTS phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Liên quan trường hợp của Công ty PTS, ông Mai Sơn đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1 và lãnh đạo Cục Thuế TPHCM phụ trách quận 1 phải liên hệ ngay với doanh nghiệp để tháo gỡ. “Chúng tôi sẽ theo dõi kết quả sau hội nghị này”, ông Mai Sơn khẳng định.
Tại phiên đối thoại sáng 27-9 (hội nghị diễn ra cả ngày), nhiều doanh nghiệp phản ánh việc bị chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Trong đó, có trường hợp của công ty TNHH Hào Hưng; Công ty TNHH dầu thực vật Tân Sanh… (đều có trụ sở ở TPHCM) và một công ty ở Đồng Nai cũng phản ánh tình trạng hoàn thuế kéo dài.
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sigma Long An phản ánh, vài năm qua, việc hoàn thuế chậm hơn nhiều so với trước đây. Việc xác minh hóa đơn, công ty đối tác bỏ địa chỉ kinh doanh… khiến số thuế hoàn phải điều chỉnh nhiều lần, gây chậm trễ.
“Bên hải quan có áp dụng luồng xanh đỏ vàng cho thông quan, thì nên chăng ngành thuế mình cũng nên áp dụng như hải quan để nhanh hơn, vì còn công tác hậu kiểm nữa. Cứ trả tới, trả lui nhiều lần rất mất thời gian”, đại diện Công ty Sigma Long An nói.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Rất hoan nghênh ý kiến này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết Tổng cục Thuế đang xây dựng quy định ưu tiên cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ được sắp xếp hoàn thuế trước. Đó là các doanh nghiệp có bề dày hoạt động xuất nhập khẩu, có hồ sơ hoàn đã được thanh tra kiểm tra đánh giá có tính tuân thủ cao, sẽ được thực hiện thủ tục hoàn thuế nhanh hơn.
Ông Mai Sơn cũng cho biết, hiện nay, có 80% hồ sơ thuộc diện hoàn trước. Thời gian qua không phải hoàn chậm hơn, mà yếu tố tác động là do một bộ phận doanh nghiệp là việc sử dụng hóa đơn đầu vào liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu không đảm bảo. Rất nhiều vụ án đã bị phát hiện thời gian gần đây.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để cùng đối chiếu, giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn đầu vào của mình”, ông Mai Sơn nói.
MAI HOA
Sao chép thành công