Báo Dân Trí,

TP Huế trực thuộc Trung ương, đánh thức "nàng công chúa"

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:06:27 03/10/2024 theo đường link https://dantri.com.vn/tam-diem/tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-danh-thuc-nang-cong-chua-20241001224700982.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 20/9, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) đã đồng ý chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Đây là một chiến lược rất sáng suốt của Trung ương trong việc trả lại vị thế xứng đáng cho TP Huế để cùng với Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm của miền Trung. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp đánh thức nhiều tiềm năng của Huế mà hiện nay còn như "nàng công chúa ngủ trong rừng", chưa được khai thác.
Định hướng mới này kỳ vọng sẽ kích thích không chỉ là sự phát triển của TP Huế mà cả khu vực miền Trung.
Thứ nhất , Huế là một trung tâm di sản, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật của quốc gia và khu vực, có thương hiệu từ lâu đời cả trong nước và nước ngoài. Đây là thế mạnh rất đặc thù của Huế trong cả vùng trọng điểm miền Trung.
Thứ hai , Huế có rất nhiều lợi thế để phát triển mạnh về kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể như, quỹ đất phát triển rất lớn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết, đối trọng với Đà Nẵng là quỹ đất ngày càng eo hẹp.
Ngoài ra, lâu nay Huế là một trung tâm đào tạo nhân lực có uy tín. Rất nhiều nhân tài về Huế làm việc đồng nghĩa với việc thành phố đang sở hữu một nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, trong việc phát triển kinh tế xã hội với quy mô lớn thời gian tới, nhu cầu đầu tiên là về nhân lực, Huế hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Huế còn có lợi thế có thể phát triển du lịch bền vững, với rất nhiều khu du lịch để phát triển thành chuỗi du lịch - dịch vụ - trải nghiệm đa dạng từ Bạch Mã đến Lăng Cô cho đến Phá Tam Giang… Huế cũng đang là địa phương duy nhất trên cả nước có 8 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Đây là những thế mạnh rất đặc thù và vượt trội so với các thành phố khác ở miền Trung và trên cả nước.
Dòng sông di sản chảy qua thành phố Huế (Ảnh: Nam Anh, An Thường).
Nói về lợi thế, điểm mạnh của Huế, tôi cho rằng chúng ta nên nhìn rộng ra trong tương quan với Đà Nẵng, bởi Đà Nẵng cũng là trung tâm của vùng. Khi có thêm Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đây sẽ là điểm tích cực hỗ trợ thêm cho vai trò của Đà Nẵng, giúp cho miền Trung có một trung tâm xứng tầm.
Tôi may mắn có cơ hội cùng với kiến trúc sư Kathrin Moore phác thảo nên quy hoạch Đà Nẵng, sau đó được thành phố hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình và được Thủ tướng phê duyệt năm 2013. Từ kinh nghiệm đó, lần điều chỉnh quy hoạch kế tiếp, tôi được thành phố mời vào Hội đồng cố vấn cho quy hoạch Đà Nẵng, do nhóm Surbana Jurong thực hiện, được Thủ tướng phê duyệt năm 2021. Gần đây, tôi cũng tham gia Hội đồng cố vấn quy hoạch Huế, Hội đồng thẩm định quy hoạch Vùng Duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ.
Từ những kinh nghiệm của mình, tôi thấy đặc điểm của vùng miền Trung khác với hai vùng đô thị ở hai đầu đất nước. Vùng đô thị ở hai đầu đất nước có diện tích đô thị khá lớn, có quỹ đất lớn, có thể phát triển theo mô hình hướng tâm với những đô thị vệ tinh xung quanh. Mô hình của hai vùng này có trung tâm là Hà Nội và TPHCM, xung quanh là các tỉnh thành. Tuy nhiên ở miền Trung ngược lại, địa thế không cho phép phát triển theo mô hình này.
Địa hình miền Trung có dải đất rất hẹp, phát triển theo hướng Bắc - Nam, với hơn một nửa là đồi núi, chỉ còn một diện tích rất khiêm tốn là đất ven biển khá bằng phẳng để phát triển đô thị.
Phát triển vùng ở đây nên có một mô hình khác, là trung tâm không theo dạng hướng tâm nữa mà là trung tâm theo dạng tuyến. Theo đánh giá của tôi, với vị trí trung tâm dạng tuyến Huế - Đà Nẵng, thì Quảng Trị - Huế - Chân Mây - Lăng Cô - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai là một chuỗi đô thị ven biển rất hấp dẫn. Khi phát triển theo tuyến thì các đô thị ở đây cần được kết nối với nhau theo một hệ thống giao thông chiến lược bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường thủy… Kết cấu hạ tầng đa phương tiện sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, bản sắc của đô thị khá đa dạng.
Theo hướng đó, việc phát triển ở miền Trung sẽ khác với Hà Nội và TPHCM với những cảng rất lớn, lớn nhất của cả vùng, từ một điểm và lan tỏa đến các nơi. Miền Trung không làm được như vậy, tại đây không khuyến khích xây cảng lớn nhất, trung tâm lớn nhất bởi sẽ không thể mang lại hiệu quả logistic với một dải đất hẹp như vậy.
Để phát triển khu vực vùng miền Trung phải xây trung tâm đô thị tuyến: Thay vì làm một cảng lớn thì đó là cụm cảng liên kết Chân Mây - Liên Chiểu; thay vì một sân bay lớn thì đó là cụm sân bay liên kết Phú Bài - Đà Nẵng - Chu Lai và đường cao tốc, đường sắt nối liền chuỗi đô thị đó, đặc biệt là giữa hai đô thị trung tâm TP Huế và Đà Nẵng.
Đặc biệt, với cụm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm kinh tế mới thì hiện giờ Chân Mây - Lăng Cô đang có quỹ đất rất lớn, sẽ là trung tâm kinh tế rất tiềm năng của Huế, là nơi thu nhập cao, phát triển rất mạnh, kỳ vọng sẽ phối hợp với Đà Nẵng để bổ sung ưu khuyết điểm cho nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên chỉ làm một đại học quốc gia thật to ở Đà Nẵng hoặc Huế, mà nên có hai đại học quốc gia miền Trung: Ở Huế sẽ mạnh về đào tạo y dược, sư phạm, văn hóa nghệ thuật, bảo tồn; ở Đà Nẵng sẽ mạnh hơn về đào tạo quản trị kinh doanh, kinh tế, công nghiệp hạ tầng... với chương trình tín chỉ liên thông giữa hai đại học này, phù hợp với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Sinh viên, giảng viên có thể tận dụng những cơ sở ở ngay địa phương để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Ví dụ, ở TP Huế giảng dạy về văn hóa, về nghệ thuật, bảo tồn thì đã có các di sản văn hóa của UNESCO, rất thuận tiện. Còn ở Đà nẵng có các cơ sở công nghiệp thuận lợi đào tạo về công nghệ, logistic, công nghiệp.
Thành phố Huế nhìn từ trên cao (Ảnh: Nam Anh, An Thường).
Dù muốn dù không thì trung tâm của miền Trung chắc chắn sẽ có sự liên kết nhất định giữa Đà Nẵng và Huế. Kinh tế thị trường đang rất năng động, khi khơi thông kết nối, khơi thông chính sách thì dòng vốn đầu tư sẽ chảy qua chảy lại.
Huế có tới 8 di sản UNESCO nên việc phát triển TP Huế phải bảo vệ các di sản này. Một mặt bảo vệ di sản của thế kỷ XIX bao gồm khu kinh thành và khu thành cổ Bao Vinh; khu di sản thế kỷ XX là khu bờ Nam sông Hương; song song với việc phát triển các khu đô thị mới với bản sắc đô thị mới thế kỷ XXI ở An Vân Dương và xa hơn.
Theo quan sát của tôi, Huế đang đi đúng hướng: Việc phát triển đô thị về phía đông của khu trung tâm hiện nay, ưu tiên phát triển cao tầng tại đây đi đôi với việc hạn chế phát triển cao tầng ở khu trung tâm lịch sử; Việc phát triển đô thị về phía cửa biển Thuận An giúp khơi thông kinh tế hướng biển; Việc phát triển đô thị về phía Phú Bài, có thể làm theo mô hình đô thị sân bay; Và việc phát triển đô thị về phía Chân Mây - Lăng Cô có thể tạo nên một trung tâm kinh tế mới hàng đầu miền Trung, làm đô thị du lịch nối với Đà Nẵng, Hội An, làm cụm cảng biển ở Chân Mây, cùng với Liên Chiểu tạo thành cụm cảng lớn trong khu vực, kết hợp với phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Huế - Nẵng.
Nói một cách nôm na, những di sản thế kỷ XIX, XX của Huế đang được bảo tồn khá tốt, đặc biệt khu đô thị hai bên bờ sông Hương, các khu lăng tẩm và đời sống của cộng đồng dân cư địa phương có giá trị đặc thù. Đồng thời cũng phát triển các khu đô thị mới để tạo nên bản sắc mới. Ví dụ như ở An Vân Dương nối xuống sân bay Phú Bài, sân bay Lăng Cô sẽ có đường metro, đường cao tốc, có nhà cao tầng, sẽ có cao tốc lớn, hệ thống công cộng bao phủ hết toàn bộ đô thị, có những tuyến xe đạp, đi bộ.
Bên cạnh đó, trong phát triển TP Huế cũng không quên phát triển bền vững. Lâu nay đô thị ở Huế có nguy cơ bão lụt hàng năm. Khi xây các đô thị mới sẽ phải có giải pháp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nguy cơ lụt để người dân an cư lạc nghiệp.
Trong bối cảnh Huế chuẩn bị được phê duyệt đô thị trực thuộc Trung ương, tôi kỳ vọng thành phố sẽ không ở trạng thái chờ đợi. Bởi một khi được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương loại I thì đi kèm sẽ là chuỗi cơ chế chính sách mới mang tính đặc thù, ưu đãi. Vậy, ngay bây giờ cần có kế hoạch thực hiện quy hoạch (quy hoạch Huế vừa được phê duyệt) để tới đây trong khi việc xem trọng bảo tồn là nền tảng, nhưng trọng tâm tương lai sẽ là phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, và kinh tế xã hội bền vững, để cho TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ là đơn vị kinh tế mạnh của đất nước!
Tác giả: Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley. Ông có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ và hiện là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Sao chép thành công