Báo SGGP Online,

TPHCM: Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:48:26 04/10/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/tphcm-khai-mac-tuan-le-huong-ung-hoc-tap-suot-doi-nam-2024-post761882.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sáng 3-10, tại Nhà hát Bến Thành (quận 1, TPHCM), UBND TPHCM đã tổ chức Lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời”. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2024 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập.
Năm 2024, TPHCM đã vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Ngoài ra, thành phố cũng được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đó vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại lễ khai mạc
"Để giữ vững các kết quả đã đạt được, mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng thành phố không ngừng học hỏi và phát triển. Trong đó, việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời để tiến bộ và phát triển bền vững", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.
Theo đó, chính quyền và các đoàn thể cần đẩy mạnh, đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; đa dạng hóa các dịch vụ thư viện, đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các trường học, địa phương; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích năng lực tự học, học tập suốt đời.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng lãnh đạo UBND TPHCM, Quận ủy quận 1 phất cờ cho đoàn xe diễu hành trước giờ làm lễ khai mạc
Cùng với đó, các phường, xã, thị trấn, quận, huyện và TP Thủ Đức phấn đấu xây dựng “Cộng đồng học tập”; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phấn đấu xây dựng “Đơn vị học tập”.
Riêng trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phổ cập các kỹ năng số, sử dụng điện thoại thông minh.
Đặc biệt, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng năng lực tự học thông qua văn hóa đọc giúp nâng cao vốn từ, cải thiện khả năng viết, phát triển tư duy logic và sáng tạo.
"Tôi đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”. UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện cần tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, qua đó giúp người dân xây dựng thói quen đọc sách, năng lực tự học để trở thành công dân của thành phố học tập toàn cầu", đồng chí Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu.
Đại diện Bộ GD-ĐT trao bằng công nhận chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy
Đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc TPHCM được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 - mức độ cao nhất theo quy định của Bộ GD-ĐT đã thể hiện cố gắng vượt bậc của thành phố trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Trong đó, thách thức đầu tiên là quy mô dân số dẫn đầu cả nước, hiện tượng di dân tự do diễn ra rất phổ biến, các thiết chế văn hoá dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với quy mô dân số của thành phố.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao nỗ lực của TPHCM
Thứ hai, hiện nay tỷ lệ người dân ham đọc sách của cả nước nói chung, TPHCM nói riêng vẫn là một thách thức đối với cơ quan quản lý. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 4 quyển sách/năm, trong đó 1,8 quyển là sách giáo khoa, 2,1 quyển thuộc các loại sách khác.
Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với 17 quyển sách/năm của Malaysia, 10 quyển sách/năm của Singapore...
"Tôi cho rằng niềm tin để TPHCM vượt qua thách thức là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, và đặc biệt là vai trò tham mưu của Sở GD-ĐT, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, chính sự năng động, đổi mới không ngừng, dám nghĩ dám làm, sáng tạo của người dân thành phố cùng điều kiện kinh tế phát triển là điều kiện để phát triển văn hoá đọc", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận.
Cán bộ quản lý và chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 1 tham quan mô hình học tập tại lễ khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2024
Trên cơ sở đó, công tác xây dựng văn hóa đọc đã và đang đi đúng hướng, xác định được điểm vướng, thách thức để từ đó có hướng khắc phục. Trong đó, mỗi cán bộ, Đảng viên phải là tấm gương học tập, mỗi người dân triển khai hành động cụ thể.
Riêng cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giáo dục theo hướng mưa dầm thấm đất, thay đổi thói quen của người học, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần xây dựng thành phố học tập.
Sau lễ phát động, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7-10-2024 với nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến như hội sách; tăng cường phổ biến và giáo dục pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác và xử lý thông tin cho học sinh, sinh viên...
THU TÂM
Sao chép thành công