Nội dung liên quan Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, Tin Trong Nước
Báo điện tử Đại biểu nhân dân,
Trách nhiệm, sẻ chia với những mất mát của người dân, doanh nghiệp
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
08:02:51 27/09/2024
theo đường link
https://daibieunhandan.vn/trach-nhiem-se-chia-voi-nhung-mat-mat-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep-post391549.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan, Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) của HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp. Được tổ chức trong bối cảnh địa phương vừa trải qua những thiệt hại hết sức nặng nề của siêu bão số 3, rất nhiều những chính sách, biện pháp khẩn cấp đã được quyết nghị để toàn tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn; thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển trong điều kiện thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều. Cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn Sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3 (bão Yagi) sau hơn nửa tháng càn quét qua địa bàn vẫn thực sự là nỗi ám ảnh đối với mỗi người dân Quảng Ninh. Được đánh giá là siêu bão với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, cơn bão đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng vật nuôi, các hạ tầng kinh tế; ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân và đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là khoảng gần 25.000 tỷ đồng (chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước). Trong đó, nặng nề nhất là thành phố Hạ Long khoảng 8.765,1 tỷ đồng; huyện Vân Đồn thiệt hại khoảng 3.693,5 tỷ đồng; thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; thị xã Đông Triều 2.219,9 tỷ đồng; thành phố Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng... Các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm, tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3. Ảnh: P. Nam Ngay sau bão, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh đã đoàn kết, tích cực, chủ động, trách nhiệm khẩn trương nỗ lực khắc phục hậu quả và ứng phó với hoàn lưu bão gây ra. Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh cũng đã nhanh chóng được tổ chức để kịp thời quyết nghị các chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Dù được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn với thời gian hết sức gấp gáp, song theo đánh giá của các đại biểu tham dự, các nội dung trình kỳ họp được Đảng đoàn HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành chuẩn bị chu đáo, được các Ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến cho thấy được tầm quan trọng, cấp thiết. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, sự động viên, chia sẻ với những mất mát của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung nếu có phát sinh bất cập, khó khăn Tại kỳ họp, trên cơ sở gợi ý của chủ tọa, các ý kiến tham gia của đại biểu HĐND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy và các thành viên UBND tỉnh đã trực tiếp giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong đó, có việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 để bố trí 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, là các biện pháp hỗ trợ về học phí, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do bão số 3. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận và báo cáo giải trình của các cơ quan chức năng, HĐND tỉnh đã thống nhất cao thông qua 5 nghị quyết thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân toàn tỉnh. Dự và phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh nhấn mạnh: đây mới là những cơ chế, chính sách bước đầu; quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh những bất cập, khó khăn hoặc cần bổ sung chính sách, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn. Từ nay đến thời điểm năm 2024 khép lại, thời gian không còn nhiều, mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm thứ 10 liên tiếp để đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số mà tỉnh đặt ra được đánh giá là hết sức nặng nề. Thực tế trên, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải hết sức quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, sáng tạo, “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường gắn với phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh để chung tay khắc phục nhanh và sớm nhất những thiệt hại do bão số 3 gây ra, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, giữ vững vị trí, vai trò Quảng Ninh - một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Mạnh Tuân