Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trại giam Ngọc Lý, Bộ Công an, đóng ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang những ngày cuối tháng 9 rộn ràng chuẩn bị lễ đặc xá năm 2024. Trong dịp đặc xá lần này, đơn vị có 199 trường hợp đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước đặc xá - đây là một trong những đơn vị có số lượng phạm nhân được đề nghị đặc xá đông nhất cả nước.
Đối với các phạm nhân ở đây, niềm hân hoan dường như được nhân lên gấp bội bởi chính họ là “người trong cuộc” được chứng kiến sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi có ý thức vươn lên.
Chỉ vào tên mình trong danh sách được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Thị Xoa, SN 1984, quê ở Từ Sơn - Bắc Ninh hồ hởi cho biết, nếu được Chủ tịch nước đặc xá lần này, tôi được về sớm 2 năm, 7 ngày.
“Đây là thời gian vô cùng quý báu với tôi bởi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đang ngóng chờ tôi từng ngày. Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã trao cho tôi cơ hội để sửa sai, để đường đường chính chính làm lại cuộc đời. Tôi mong mọi người đừng ai kỳ thị, xa lánh những người lầm lỗi như chúng tôi, bởi sau khi phạm tội, chúng tôi đã được các cán bộ giáo dục để có nhận thức đúng đắn về pháp luật nên chúng tôi luôn quyết tâm làm ăn lương thiện để không phạm bất cứ sai lầm đáng tiếc nào nữa” - chị Nguyễn Thị Xoa cho biết.
Cán bộ Trại giam Ngọc Lý hướng dẫn phạm nhân sản xuất.
Được biết, Nguyễn Thị Xoa từng là người làm ăn thành đạt, là bà chủ của 4 cơ sở kinh doanh lưu trú tại TP Từ Sơn, Bắc Ninh gồm khách sạn Yoyo, nhà nghỉ Xuyên Điệp 1, 2, 3. Năm 2020, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vì lợi nhuận, Xoa đã cho hơn 100 người Trung Quốc thuê các nhà nghỉ của mình để ở lại Việt Nam, thu lời bất chính. Bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt từ ngày 7/8/2020 về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" quy định tại điểm a khoản 3 Điều 348 Bộ luật Hình sự. Vì hành vi này, Xoa bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù giam. Hơn 4 năm trong trại giam, vợ chồng ly hôn, các con mỗi đứa gửi một nơi, Xoa quá hiểu cái giá của sự mất tự do. Chính vì vậy, chị ta luôn cố gắng cải tạo tốt nhất để được hưởng khoan hồng. Khi danh sách các phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá được Trại niêm yết công khai, Xoa là một trong những người đầu tiên xem, dò tìm đúng tên mình.
“Tôi mừng lắm, cảm thấy như nghẹt thở, nước mắt trào ra nghẹn ngào. Tôi về, sẽ kinh doanh những thứ đơn giản, kiếm ít tiền cũng được. Kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn thu nhập cao nhưng cũng nhiều rủi ro. Điều quan trọng nhất là về chăm sóc các con, để chúng không bơ vơ”, Xoa nghẹn ngào. Phạm nhân này khoe, trong thời gian chị ta đi thi hành án, con trai đi bộ đội vừa ra quân, con gái thứ 2 vừa thi đỗ Đại học. “Cũng may lắm chị ạ. Em kịp về với các cháu, nếu không có chính sách khoan hồng của Nhà nước thì các con em cũng không biết sẽ ra sao” – Xoa cho biết.
Cũng được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Bùi Đức Lai, SN 1962, trú ở xã Mỹ An, Lục Ngạn, Bắc Giang bày tỏ vui mừng vì có cơ hội sớm tái hòa nhập cộng đồng. Vốn có 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn, ông Lai là người hiểu biết pháp luật, hiểu biết chính sách khoan hồng của Nhà nước nên sau khi bị bắt, ông ta luôn chấp hành nghiêm quy định, thực hiện ngay trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại. “Qua tìm hiểu, tôi biết tội của tôi nằm trong diện sẽ được đặc xá nên tôi vô cùng mong chính sách khoan hồng này. Ngày 30/7, khi đang lao động, cán bộ nói với tôi Chủ tịch nước Quyết định đặc xá rồi đấy. Đêm đó, tôi không ngủ được, nằm tưởng tượng khi trở thành công dân, gia đình đoàn tụ sẽ vui như thế nào” – ông Lai cho biết.
Ông Lai có tới 4 người con, đều đã trưởng thành nên ông luôn mong mỏi được dựng vợ, gả chồng cho từng đứa để hoàn thành nghĩa vụ làm cha. Và, điều này sẽ trở thành hiện thực khi chỉ còn vài ngày nữa ông sẽ chính thức trở thành công dân với đầy đủ quyền lợi của mình.
Chưa được đề nghị đặc xá lần này, phạm nhân Bùi Thị Lệ Hằng, SN 1975 (diễn viên Lệ Hằng), trú ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ai cũng mong được đặc xá để trở về sớm với gia đình nên các phạm nhân đều cố gắng cải tạo thật tốt để lần sau, khi Chủ tịch nước đặc xá sẽ được hưởng chính sách này.
Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý cho biết, ngay sau khi có Quyết định đặc xá được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị đã chủ động tuyên truyền Luật Đặc xá đến tất cả CBCS và phạm nhân để biết, nghiên cứu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản. Đơn vị đã niêm yết công khai Quyết định của Chủ tịch nước đến phòng ăn, phòng giam, khu vui chơi, khu lao động của các phạm nhân, đồng thời xây dựng kịch bản chương trình trên hệ thống loa truyền thanh, đồng thời phổ biến những quy định về công tác đặc xá đến toàn thể phạm nhân để họ tự liên hệ bản thân. Ngoài việc tuyên truyền, đơn vị đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá để chuyển lên Hội đồng đặc xá cấp trên xem xét.
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Ngọc Lý đã tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, truyền đạt cho các phạm nhân kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và phổ biến tình hình thời sự, kinh tế - xã hội của đất nước, để khi trở về họ không bị bỡ ngỡ.
Bên cạnh đó, đơn vị tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trở về địa phương sống lương thiện, không tái phạm tội; trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, Trại giam Ngọc Lý cũng tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó, yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.
Nói về sự đồng hành với các phạm nhân trong quá trình họ cải tạo, Thiếu tá Hoàng Thị Thuỳ Dung, cán bộ quản giáo Trại giam Ngọc Lý cho biết, quá trình cải tạo tại trại, đa số phạm nhân đều mong muốn được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là được đặc xá, nên các cán bộ thường xuyên động viên, giáo dục, giúp đỡ để chấp hành tốt nội quy, yên tâm cải tạo. “Chúng tôi quản lý phạm nhân nữ - họ cũng có rất nhiều trăn trở vì phía sau còn gia đình, chồng con nên sự động viên, khích lệ của cán bộ nhiều khi là động lực để họ cố gắng” – Thiếu tá Hoàng Thị Thuỳ Dung cho biết.
Đối với đặc xá năm 2024, các cán bộ có nhiệm vụ phổ biến cho các phạm nhân Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để các phạm nhân tự liên hệ bản thân, đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn. Những phạm nhân nào đủ điều kiện được đặc xá thì sẽ hướng dẫn cho họ viết đơn đề nghị đặc xá. Đối với những phạm nhân chưa đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá, họ cũng có trăn trở, buồn nên các cán bộ Trại giam Ngọc Lý đã gặp gỡ, động viên họ tích cực cải tạo để lần sau họ sẽ có cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng…