Báo Công An Nhân Dân,

Trái ngược thị trường cây, trái “độc, lạ” dịp Tết 2025

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:52:22 07/10/2024 theo đường link https://cand.com.vn/Thi-truong/trai-nguoc-thi-truong-cay-trai-doc-la-dip-tet-2025-i746314/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thị trường cây, trái “độc, lạ” dịp Tết đang chứng kiến những biến động đáng kể. Một số nhà vườn vẫn kiên trì với sản phẩm truyền thống, còn người khác lại quyết định từ bỏ hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
“Cha đẻ” của bưởi hồ lô, ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho hay: Dịp Tết năm nay không còn thuê vườn bưởi tạo hình như mọi năm nên sản lượng sụt giảm rất nhiều.
Đào tiên hồ lô được nhà vườn tạo hình để bán trong dịp Tết.
“Vườn bưởi nhà tôi trồng lại vừa ra trái nên làm bưởi hồ lô trực tiếp trên những trái mới ra đợt đầu. Sản lượng dịp Tết Nguyên đán năm 2025 không nhiều như mọi năm, vào khoảng 40-50 trái. May mắn hiện nay là thời tiết thuận lợi, bưởi ra trái đẹp. Dự kiến tầm tháng 11 âm lịch mới có khách đặt hàng”, ông Thành nói. Các thành viên trong Câu lạc bộ Sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân) cũng đang tạo hình khoảng 2.000 trái bưởi hồ lô in chữ nổi Tài-Lộc, hồ lô thỏi vàng,… để cung ứng dịp Tết. Theo ông Thành, giá bán bưởi vẫn giữ ổn định, dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/trái.
Trong khi nhiều nơi tạo hình trên bưởi Năm Roi, dừa thì ông Võ Hồng Quốc (78 tuổi, ngụ xã Phú Tân) lại chọn trái đào tiên. Năm 2010, ông Quốc nhận thấy trái đào tiên có thể tạo hình thành dáng hồ lô nên đã làm thử nghiệm. Ông Quốc bày tỏ: “Đào tiên có loại cho trái màu xanh và trái màu trắng. Trái màu xanh hình tròn rất khó tạo hình, còn trái màu trắng có dáng dài dễ tạo hình. Hơn 10 năm về trước, tôi đi tìm cây cho trái màu trắng về ghép, đến nay có được 100 gốc. Tạo hình hồ lô trên trái đào tiên khó hơn trên bưởi Năm Roi nhưng nếu làm thành công thì dáng trái rất đẹp và chưng khá lâu”. Khi cây ra trái nặng khoảng 200 gram, ông Quốc bắt đầu cho vào khuôn tạo hình, 2 bên có chữ Tài-Lộc. Đặc điểm của cây đào tiên là không tốn nhiều công chăm sóc, khi cho trái cũng ít bị sâu bệnh và cây cho trái quanh năm. Dịp Tết năm nay, ông Quốc dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 200 trái đào tiên tạo hình.
Trong bối cảnh ngành hoa kiểng ngày càng cạnh tranh, nhất là vào dịp Tết, anh Trần Thanh Phong (ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã tìm ra hướng đi riêng với cây sứ “chân dài”. Cách đây nhiều năm, anh Phong nhập giống sứ từ nước ngoài về và áp dụng kỹ thuật mới, đó là nghiên cứu cách biến rễ thành thân cây. Cây sứ khoảng 8 tháng tuổi sẽ được nhổ lên, chừa lại một rễ phát triển mạnh nhất để “kéo” thành thân cây và cắt bỏ những rễ phụ. Rễ duy nhất này được kẹp bằng 2 thanh tre để tạo dáng thẳng rồi trồng cây xuống đất trở lại. Nhà vườn đã đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, không chỉ phục vụ nhu cầu Tết mà còn đáp ứng nhu cầu quanh năm. Trung bình mỗi tháng, ông Phong xuất khẩu từ vài trăm đến hàng nghìn cây đủ kích cỡ nên có thu nhập khá.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn không còn mặn mà với trái cây tạo hình do thua lỗ và bị ăn cắp mẫu. Đó là trường hợp của ông Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Dịp Tết hàng năm, ông Tâm cung ứng cho thị trường vài ngàn trái bưởi hồ lô, dừa hồ lô thì năm nay không làm nữa. Nguyên nhân chính là do trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, những sản phẩm tạo hình của ông không còn được ưa chuộng như trước, dẫn đến thua lỗ. Ngoài ra, sản phẩm trái cây tạo hình có giá khá đắt, từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/sản phẩm nên rất kén khách hàng. Bên cạnh đó, kinh tế hiện nay không như trước, nhiều người dân đang phải thắt chặt chi tiêu. Việc bỏ ra một khoản tiền lớn mua một sản phẩm trang trí Tết như vậy trở nên khó khăn và không còn là ưu tiên của nhiều gia đình. “Chưa kể, tạo ra khuôn mới nào cũng bị “ăn cắp mẫu”, bưởi bị lão hoá khó ra trái đẹp,... Chính vì những lý do trên, năm nay tôi không làm trái cây tạo hình nữa mà chỉ trồng lan bán”, ông Tâm nói.
Xu hướng thay đổi trong việc mua trái cây “độc, lạ” trang trí Tết đang diễn ra mạnh mẽ, với nhiều nhà vườn quyết định từ bỏ những sản phẩm độc đáo nhưng rủi ro cao. Điển hình là trường hợp của ông Lê Văn Tính (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), người từng có nhiều năm làm sản phẩm xoài thư pháp độc đáo. Ông Tính chia sẻ về kỹ thuật tạo ra xoài thư pháp, một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Cách làm này bao gồm việc thay đổi vỏ bao trái xoài 20 ngày trước khi thu hoạch, sử dụng bọc kín nhưng chừa phần chữ trong suốt để ánh sáng có thể chiếu vào. Kết quả là một trái xoài với phần chữ màu xanh nổi bật trên nền vàng của trái chín. Tuy nhiên, thị trường Tết Nguyên đán 2024 đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu đối với sản phẩm này. Ông Tính thừa nhận đã phải gánh chịu khoản lỗ lên đến hàng chục triệu đồng nên quyết định không tiếp tục sản xuất loại xoài đặc biệt này cho dịp Tết năm 2025.
Sao chép thành công