Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Trẻ em vùng dân tộc thiểu số đối mặt nguy cơ khủng hoảng dinh dưỡng sau thiên tai

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:01:04 21/09/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/tre-em-vung-dan-toc-thieu-so-doi-mat-nguy-co-khung-hoang-dinh-duong-sau-thien-tai-20240920152452178.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Anh Đào thực hiện
Cán bộ Trạm Y tế xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai kiểm tra sức khỏe và khám dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn.
Thống kê chưa đầy đủ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy có khoảng 3 triệu người tại Việt Nam, trong đó có nhiều trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, khủng hoảng dinh dưỡng sau lũ lụt, ảnh hưởng của bão Yagi.
Trao đổi với phóng viên Báo PNVN TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết:
Sau mưa bão, nguy cơ các bệnh dịch liên quan đến nước và suy dinh dưỡng tăng cao đáng kể. Ở những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều về thiên tai như các tỉnh vùng núi phía bắc, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ vốn đã là những đối tượng nguy cơ thiếu dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức độ cao. Theo Số liệu Giám sát dinh dưỡng năm 2016, tình huống khẩn cấp như thiên tai bão lũ đã làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em từ 1,3-1,8% các năm trước đó lên mức 1,9-2,1% năm 2016.
- Bác sĩ có thể phân tích nguy cơ khủng hoảng dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số sau thiên tai?
Bão lũ gây cô lập, ngăn cách các vùng dân cư, nhấn chìm lương thực thực phẩm, các loại cây lương thực và rau quả bị thối rữa, gây tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, dẫn đến thiếu đói và suy dinh dưỡng. Do chế độ ăn của trẻ thiếu cả số lượng và chất lượng, bữa ăn sẽ mất cân đối, không đủ thành phần các chất dinh dưỡng như thiếu rau xanh, hoa quả chín, chất đạm từ: Thịt, trứng, cá, tôm, cua...
Sau mưa lũ cùng tình trạng thiếu nước sạch khiến trẻ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn như đường ruột, sởi, viêm đường hô hấp nhưng chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng chưa đúng, kịp thời. Đây là một số yếu tố quan trọng có thể dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, khủng hoảng dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số sau bão lũ, sạt lở đất.
Hiện trường lũ quét, sạt lở đất đã khiến cho nhiều người dân, trong đó có nhiều trẻ em làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai không có nhà để về. Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng với các trẻ em tại đây là thứ còn xa vời.
- Vậy theo bác sĩ, để phòng ngừa nguy cơ khủng hoảng dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số sau thiên tai, trước hết người dân cần làm gì?
Để phòng ngừa khủng hoảng dinh dưỡng sau thiên tai, trước hết, người dân cần dự trữ các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu. Duy trì kho dự trữ lương thực, thực phẩm, gồm các loại thực phẩm khó hư hỏng, thức ăn sẵn có thể ăn ngay mà không cần qua chế biến. Một số loại lương thực, thực phẩm có thể dự trữ dễ dàng như đồ hộp (thịt, cá…), ngũ cốc (gạo, mì, miến…), trái cây sấy khô, các loại hạt và thực phẩm để được lâu, có giá trị dinh dưỡng cao (như đậu đỗ, lạc, vừng). Các hộ gia đình cũng nên chủ động chọn các loại lương thực, thực phẩm đa dạng để đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, không gây ngán, có thể phối hợp để đa dạng món ăn.
Bên cạnh việc dự trữ lương thực, thực phẩm thì việc dự trữ nguồn nước uống sạch, an toàn cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Các hộ gia đình nên tính toán dự trữ, đảm bảo trung bình mỗi người 4-5 lít nước để uống và vệ sinh cá nhân tối thiểu. Thêm vào đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý trữ nước trong các vật chứa sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn để dùng cho sinh hoạt, nấu nướng thực phẩm và thường xuyên thay nước theo định kì để đảm bảo nguồn nước dự trữ luôn mới.
Tiếp theo là tăng cường kỹ năng bảo quản thực phẩm, đảm bảo các nguyên tắc sử dụng nước sạch, rửa tay sạch, dụng cụ chế biến sạch, để riêng thực phẩm sống- chín. Với thực phẩm nấu chín cần đảm bảo đun sôi, chín kỹ. Các gia đình phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các lương thực, thực phẩm, nước sạch và nhu yếu phẩm vẫn còn hạn sử dụng và bổ sung kịp thời để sử dụng khi cần thiết.
TS.BS. Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Cần ưu tiên thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, hỗ trợ người mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cường khả năng tiếp cận các thực phẩm bổ sung an toàn, phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm. Cần quản lý việc nhận hàng cứu trợ và cấp phát sữa thay thế sữa mẹ theo đúng quy định, đúng đối tượng để tránh làm tổn hại thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
- Vậy còn về phía chính quyền địa phương thì cần phải làm những gì thưa bác sĩ?
Cần sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng thường xuyên để phát hiện và theo dõi tỷ lệ suy dinh dưỡng trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi trường hợp khẩn cấp, nhằm hướng dẫn các biện pháp can thiệp có mục tiêu và đảm bảo những cá nhân có nhu cầu sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp.
Trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng (đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ có thai) cần được phát hiện sớm và điều trị suy dinh dưỡng cung cấp thực phẩm chuyên biệt đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc hiệu để điều trị suy dinh dưỡng.
Trong những trường hợp khẩn cấp người dân bị cô lập, thiếu lượng thực, địa phương có thể thực hiện các chương trình bổ sung dinh dưỡng như cung cấp, tăng cường tiếp cận với các thực phẩm bổ sung hoặc các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng như sữa cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ.
Đối với khu vực trẻ em dân tộc thiểu số được ăn bán trú tại trường thì cần chú trọng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, cân đối các chất dinh dưỡng để đảm bảo các em được phát triển thể chất toàn diện.
Cần thường xuyên giáo dục và tư vấn dinh dưỡng để thúc đẩy thực hành ăn uống lành mạnh, đặc biệt khi nguồn cung cấp thực phẩm có thể bị hạn chế hoặc biến động, giúp mọi người lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách. Giáo dục dinh dưỡng cần được tiến hành trước khẩn cấp như một sự chuẩn bị tốt để ứng phó trong và sau khẩn cấp.
Các dịch vụ dinh dưỡng trong trường hợp khẩn cấp thường được tích hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo rằng các can thiệp dinh dưỡng luôn phối hợp với chăm sóc y tế, giải quyết các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cần tiến hành các biện pháp để thúc đẩy khả năng phục hồi và cung cấp lương thực bền vững trong các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp, như hỗ trợ nông nghiệp, phát triển trồng vườn cộng đồng và các hoạt động cải thiện thu nhập cho hộ gia đình để tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Sao chép thành công