Báo SGGP Online,
Trung Đông trước nguy cơ xung đột toàn diện
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
11:20:35 03/10/2024
theo đường link
https://www.sggp.org.vn/trung-dong-truoc-nguy-co-xung-dot-toan-dien-post761819.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 2-10, CNN đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố các quốc gia giúp chặn tên lửa nhắm vào Israel sẽ “phải chịu trách nhiệm”. Căng thẳng ở Trung Đông leo thang sau khi Iran phóng hàng trăm tên lửa hướng về phía lãnh thổ Israel trong đêm 1-10 và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả. Các nỗ lực ngoại giao Tuyên bố của ông Abbas Araghchi được cho là nhằm vào Jordan, Mỹ và Anh, những nước tham gia bảo vệ Israel. Ngoại trưởng Iran khẳng định các vụ không kích vào lãnh thổ Israel được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự vệ hợp pháp của Iran và dựa trên luật pháp quốc tế. Cũng ngày 2-10, Pháp thông báo đã điều thêm binh sĩ đến Trung Đông và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp sau khi Iran phóng tên lửa về phía lãnh thổ Israel. Pháp cũng cử Ngoại trưởng Jean-Noel Barrot đến Trung Đông để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cũng đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về vấn đề này. Người di cư, chủ yếu đến từ Syria, tập trung tại Quảng trường Martyrs ở trung tâm Beirut, để chạy trốn các cuộc không kích của Israel. Ảnh: Getty Images Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nội các khẩn cấp về căng thẳng ở Trung Đông, Văn phòng Tổng thống Pháp kêu gọi phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon chấm dứt các hành động chống lại Israel. Trong khi đó, thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị quân đội nước này hỗ trợ ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel - đồng minh chủ chốt của Mỹ. Tại Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov kêu gọi tất cả các bên liên quan đến xung đột kiềm chế và ngăn chặn tình hình trở nên xấu thêm. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố chủ trì một hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Trước đó, ngày 1-10, quân đội Israel (IDF) đã kêu gọi dân thường tại hơn 20 khu vực ở miền Nam Lebanon đi sơ tán, vài giờ sau khi chính thức bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở đây. Tối cùng ngày theo giờ địa phương, IDF thông báo khoảng 180 tên lửa các loại bắn về phía lãnh thổ nước này, song IDF đã đánh chặn được “số lượng lớn”. Viết trên mạng xã hội X ngày 2-10, Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã kêu gọi thực hiện một cuộc tấn công quyết định để phá hủy các hạ tầng cơ sở hạt nhân của Iran. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, nhiều nước đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Iran ngay lập tức. Lên án hành vi xâm lược của Israel tại Lebanon Ngày 2-10, nhiều lãnh đạo trên thế giới cũng đã lên tiếng kêu gọi Iran và Israel kiềm chế, tránh đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào cuộc xung đột toàn diện, đồng thời cũng lên án hành động leo thang nguy hiểm của Israel ở miền Nam Lebanon. Trong một thông cáo báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu Israel chấm dứt các hoạt động quân sự ở Lebanon và bày tỏ mong muốn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon sẽ được khôi phục, tuân thủ nghiêm ngặt Nghị quyết 1701 của HĐBA LHQ. Chính phủ Ai Cập đã bác bỏ mọi nỗ lực nhằm áp đặt “tình hình mới” vi phạm chủ quyền Lebanon. Xe tăng và quân đội Israel tập trung ở miền Bắc Israel để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ vào Lebanon. Ảnh: NPR Bộ Ngoại giao Malaysia nêu rõ, hành động của chế độ Israel theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái vi phạm an ninh, ổn định, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon, vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Malaysia bày tỏ tình đoàn kết với Lebanon và tham gia lời kêu gọi chung của cộng đồng quốc tế về việc đạt được lệnh ngừng bắn khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Lebanon. Sau khi Iran phóng một loạt tên lửa nhằm vào các vị trí tại Israel, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 1-10. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,86 USD, tức 2,6%, lên 73,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,66 USD, tương đương 2,4%, lên 69,83 USD/thùng. Theo nhận định của ông Clay Seigle, một chiến lược gia về rủi ro chính trị, các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran rất có thể nằm trong mục tiêu tấn công trả đũa của Israel. Nếu điều này xảy ra thì có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu mỏ và có khả năng khiến sản lượng của Iran giảm hơn 1 triệu thùng/ngày. Ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích của công ty môi giới và tư vấn PVM, cho rằng trong trường hợp leo thang căng thẳng, có thể sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào các nước sản xuất dầu ở Trung Đông như Saudi Arabia. Chuyên gia này cho biết thị trường đang thực sự lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng và tâm lý này sẽ chi phối hoạt động giao dịch. Trong khi đó, tại biển Đỏ, lực lượng Houthi ở Yemen đã lên tiếng thừa nhận tấn công 2 tàu ở ngoài khơi cảng Hodeidah, khiến một tàu bị hư hại.