Nội dung liên quan Phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo điện tử Đại biểu nhân dân,
Trước cuộc trường chinh vĩ đại
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
12:48:45 07/10/2024
theo đường link
https://daibieunhandan.vn/truoc-cuoc-truong-chinh-vi-dai-post392399.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10.10.1954 - 10.10.2024) Trước cuộc trường chinh vĩ đại Ngày 19.12.1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần ấy đã tiếp thêm động lực cho nhân dân Thủ đô anh dũng, chiến đấu 60 ngày đêm trước cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. 60 ngày đêm khói lửa PGS.TS. Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết, ngay từ tháng 10.1946, quân và dân Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến; nhân dân nội thành đi tản cư, ngoại thành làm vườn không nhà trống. Một số nhà công thương, công chức, sinh viên, giáo dân xung phong vào Tự vệ Thành. Việc đào giao thông, đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia được làm suốt ngày đêm. Các pháo đài của Đại đội pháo binh Thủ đô (ở Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối) được quân dân ở làng xã tình nguyện tiếp đạn và bảo vệ. Trong tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng, lực lượng vũ trang Thủ đô gồm bộ đội, Tự vệ chiến đấu, Tự vệ thành Hoàng Diệu, tự vệ ở các làng, xã, Công an Hà Nội và Trung ương đã được Đảng quan tâm phát triển và củng cố để giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Đến trước ngày 19.12.1946, số quân Pháp ở Đông Dương là 90.000; trong đó ở Hà Nội tập trung 6.500 lính và sĩ quan, đóng ở 45 vị trí. Trong khi đó, chúng ta có 2.515 chiến sĩ, hơn 8.000 tự vệ. Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội năm 1946. Ảnh: TL Để thực hiện thế trận trong đánh ngoài vây, trong - ngoài cùng đánh, Tiểu đoàn 56 của tỉnh Hà Đông được điều động về Hà Nội trước ngày 19.12.1946, chốt giữ Ngọc Hà, Đội Cấn, Khâm Thiên, Nhà Rượu, Ô Cầu Dền, Lương Yên. Sau ngày 23.12.1946, Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 37 của tỉnh Sơn Tây được điều về tăng cường, chốt giữ phía Nam thành phố, từ Kim Liên đến Nhà thương Lây cống Vọng ( bệnh viện Bạch Mai ) Đêm 19.12.1946, quân dân Thủ đô đã chủ động nổ súng tiêu diệt địch. Vệ quốc quân đánh địch ở các vị trí trọng điểm, có Tự vệ Thành và Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Công an xung phong sát cánh bên nhau, chia lửa, điển hình là ở khu vực Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Cửa Nam, Đấu Xảo, ga Hàng Cỏ… Chị em phụ nữ xung phong tiếp tế, cứu thương. Các em Vệ Út từ 10 - 13 tuổi làm liên lạc rất dũng cảm. Nhiều ụ chiến đấu mọc lên ở ngã năm Hàng Đào, Cầu Gỗ, Ô Cầu Dền, Lương Yên… là sáng tạo của người dân để đánh địch ngay trên đường phố, tấn công địch rất hiệu quả. Ở ngoại thành, những nông dân, thợ thủ công trở thành chiến sĩ, xung phong vào Cầu Giấy, Kim Mã, Thụy Khuê, Yên Phụ, Ngã Tư Sở, Giảng Võ, Lương Yên… hỗ trợ chiến đấu. Vì thế, cuộc kháng chiến nổ ra ở Thủ đô ngay từ những ngày đầu tiên đã mang tính toàn dân, toàn diện. Sau nửa tháng tấn công nhưng không chiếm được thành phố theo kế hoạch, giữa lúc đó, lãnh sự Trung Quốc nêu đề nghị Pháp tạm ngừng bắn để Hoa kiều rút khỏi nội đô. Nắm lấy cơ hội, ngày 13.1.1947, các đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Hoàng Minh Giám, Hoàng Hữu Nam đã vào Ô Chợ Dừa để hội đàm với Vương Tử Kiên - lãnh sự Trung Quốc, Wilson - lãnh sự Anh, Sulivan - lãnh sự Mỹ. Ngày 15.1.1947, các bên tạm ngừng bắn. Hoa kiều đi theo đường Hàng Giấy, Hàng Đậu lên đê Yên Phụ tản cư ra ngoài. Đêm đó, đồng bào chưa kịp tản cư đã cùng hàng trăm chiến sĩ lẫn vào dòng người Hoa theo kế hoạch đã định. “Đó là một thắng lợi to lớn để bảo vệ lực lượng và tính mạng nhân dân cho cuộc kháng chiến lâu dài”, PGS.TS. Trần Ngọc Long khẳng định. Niềm tin và hy vọng Trong 60 ngày chiến đấu kiên cường, từ 19.12.1946 - 17.2.1947, quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch, giữ từng căn nhà, từng góc phố, hơn 2.000 tên địch bị tiêu diệt. Song, theo nhận định của PGS.TS. Trần Ngọc Long, không thể không nhắc tới đóng góp đặc biệt quan trọng của Tiểu đội Du kích Hồng Hà và nhân dân làng Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) trong những ngày này. Cụ Phạm Duy Thám, nguyên chỉ huy Tự vệ làng Tứ Tổng, từng kể rằng: tối 17.2.1947, dân làng nhận được lệnh huy động hết thuyền trong làng đưa bộ đội vượt sông. Đến nửa đêm thì huy động được 44 chiếc. “Lúc bấy giờ không huy động được nhiều thuyền, chắc chắn sẽ không chở hết bộ đội qua sông. Nếu như đêm ấy những người chèo thuyền không đưa hết sức mình ra để gánh vác nhiệm vụ; chuyên chở không nhanh, có thuyền bị lạc bến, bị va vào nhau hay bị đắm, bị lộ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra…". Hai ngày sau cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, ngày 19.2.1947 dân làng Tứ Tổng phải hứng chịu đòn trả thù dã man của quân Pháp. Trong cơn cay cú và tức tối, chúng đã đốt cháy 196 ngôi nhà; phá sập 2 ngôi đình, phá hủy 44 chiếc thuyền; giết chết 27 người (trong đó phần lớn là các chiến sĩ Tự vệ); bắt đi hơn 70 người dân. Ngày này đã trở thành ngày giỗ trận hàng năm của nhân dân làng Tứ Tổng. Cùng với người dân làng Tứ Tổng, Tiểu đội du kích Hồng Hà cũng đã góp phần quyết định để Trung đoàn Thủ đô vượt sông an toàn ra vùng tự do. Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Khu trưởng Khu 11 Hà Nội ngày đó khẳng định: “Chúng ta không còn được gặp Nguyễn Văn Nại và Tiểu đội du kích Hồng Hà... Nhưng chúng ta có đầy đủ bằng chứng để đánh giá tác dụng to lớn của trận này. Đêm 17.2.1947, các đồng chí đã đưa Trung đoàn Thủ đô bí mật rút đi. Và đến sáng hôm sau, các đồng chí đã hy sinh oanh liệt, giữ bí mật đến cùng, bảo đảm cho Trung đoàn Thủ đô rời Hà Nội được tuyệt đối an toàn...”. PGS.TS. Trần Ngọc Long đánh giá, nhiều người dân Tứ Tổng, một số chiến sĩ của Tiểu đội du kích Hồng Hà và nhiều người dân Thủ đô khác đã nằm lại mang theo niềm tin và hy vọng. "Như vậy, kể từ đêm cả Hà Nội vùng đứng lên (19.12.1946), phải đến 8 năm sau, khi Hà Nội cùng quân và dân cả nước trường kỳ kháng chiến, mới hiện thực hóa niềm tin và hy vọng để được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và những người con ưu tú của Thủ đô trở về, mở ra một chương mới trong chặng đường phát triển của Hà Nội nói riêng, nước Việt Nam nói chung". Hồng Hà