Báo Nhân Dân,

Trường đại học Trà Vinh nghiên cứu thành công giống dừa sáp cấy phôi

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 09:08:26 03/10/2024 theo đường link https://nhandan.vn/truong-dai-hoc-tra-vinh-nghien-cuu-thanh-cong-giong-dua-sap-cay-phoi-post834454.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
NDO -
Dừa sáp cấy phôi cho tỷ lệ trái sáp từ 85% trở lên. Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, cho chất lượng sáp ổn định.
Đặc sản dừa sáp Trà Vinh.
Chiều 2/10, đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đến khảo sát tại khu nghiên cứu giống cây nông nghiệp và giống cây dừa sáp cấy mô; nghe báo cáo nghiên cứu khoa học của một số đơn vị thuộc Trường đại học Trà Vinh.
Tại các nơi đến, đoàn công tác của Tỉnh ủy Trà Vinh nghe các nhà khoa học, Hội đồng Trường đại học Trà Vinh thông tin, giai đoạn 2020-2023, trường đã nghiệm thu 145 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, được ứng dụng trong giảng dạy, học tập và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Trường đại học Trà Vinh đã nghiên cứu, thực hiện thành công giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi. Hộ trồng dừa, sử dụng giống dừa sáp tự nhiên tỷ lệ cho trái sáp chỉ đạt từ 20-30%; dừa sáp cấy phôi cho tỷ lệ trái sáp từ 85% trở lên. Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, cho chất lượng sáp ổn định.
Dừa sáp cấy mô sau 3 năm trồng thử nghiệm đã cho trái sáp.
Bên cạnh đó, Trường đại học Trà Vinh đã phối hợp nhóm nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về nuôi cấy mô tế bào thực vật - Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” giai đoạn 1 với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm tạo cây giống dừa sáp nuôi cấy mô thông qua sự hình thành phôi vô tính.
Kết quả là, quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã được thực hiện thành công. Cây dừa sáp nuôi cấy mô đã được trồng khảo nghiệm tại khu thực nghiệm trồng trọt Trường đại học Trà Vinh. Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô được đánh giá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Trà Vinh và cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu có thể đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp để tạo cây giống có chất lượng cao, đồng đều về mặt di truyền và giá thành thấp cần nghiên cứu hoàn thiện quy trình ở giai đoạn 2.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường yêu cầu, để thực hiện hiệu quả chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh, Trường đại học Trà Vinh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khoa học để tuyển chọn những giống dừa năng suất, chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu.
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Trà Vinh khảo sát tại khu nghiên cứu dừa sáp cấy mô của Trường đại học Trà Vinh.
Trà Vinh có 27.390 ha dừa, đứng thứ hai so với cả nước; sản lượng hằng năm khoảng 444 triệu quả/năm. Đặc biệt, dừa sáp là loại trái cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu cho tỉnh Trà Vinh. Do đó, các sở, ngành tích cực tham mưu cho tỉnh, tạo điều kiện để Trường Đại học Trà Vinh triển khai giai đoạn 2 quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào…
Sao chép thành công