Báo Tuổi Trẻ Online,

Từ những lá phổi phép màu: Hơi thở được 'tái sinh'

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:03:31 07/10/2024 theo đường link https://tuoitre.vn/tu-nhung-la-phoi-phep-mau-hoi-tho-duoc-tai-sinh-20241007094652918.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Gặp lại Phạm Anh Thư (21 tuổi, quê Bắc Kạn, cô gái được ghép phổi đúng ngày 30 Tết năm nay) vào những ngày Hà Nội đầu thu tại Bệnh viện Phổi trung ương, khó ai có thể tưởng tượng chỉ 8 tháng trước, cô gái ấy cận kề cửa tử. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương thực hiện ghép phổi cho người bệnh - Ảnh: BVCC
Lúc ấy, Thư mắc một bệnh lý ít gặp gây xơ phổi. Nếu không được ghép phổi , thời gian sống thêm của cô gái chỉ tính theo tháng.
Những lá phổi phép màu Và phép màu đã đến đúng đêm 30 Tết, Thư được ghép phổi từ người hiến mô tạng sau khi chết não. Sau 8 tháng ghép phổi, Thư đã hồi phục rất tốt và giờ đây cô đã trở lại giảng đường đại học.
Nghẹn ngào nhớ lại thời điểm cuối năm 2023, Thư nói lúc ấy gia đình đã nghĩ cái Tết vừa qua là cái Tết cuối cùng Thư có mặt trên đời.
"Nhưng giờ đây hai lá phổi đang sống khỏe mạnh trong lồng ngực, em đã được thở, được sống, được quay trở lại trường, tiếp tục thực hiện ước mơ cuộc đời mình. Em có thể chơi bóng rổ, có thể hát bài hát mình yêu thích. Tất cả những gì em có bây giờ là nhờ người cho em lá phổi mới, một lá phổi khỏe mạnh. Em sẽ cố gắng giữ gìn lá phổi ấy và sống thật tốt để xứng đáng với người đã trao tặng sự sống cho mình", Thư xúc động nói.
Cũng là người được ghép phổi từ người cho chết não và là trường hợp sống lâu nhất tại Việt Nam sau khi ghép phổi, ông Nguyễn Xuân Toại (quê Thanh Hóa) khoe những tấm ảnh chụp gia đình trong suốt 4 năm qua.
Ông Toại chỉ vào từng tấm ảnh khi con lấy vợ, khi cháu đầy tháng... Mỗi khoảnh khắc đều chứa đựng sự hạnh phúc của một gia đình trọn vẹn. Ông Toại nói nhờ có lá phổi của người hiến tặng mà ông có thể sống đến giờ này, để có thể chứng kiến những giây phút trọng đại của gia đình.
"Sau khi được ghép phổi, tôi cũng tìm được gia đình đã đồng ý hiến tạng của người thân sau khi qua đời. Suốt 4 năm qua, năm nào vào ngày sinh nhật của anh ấy tôi cũng đến nhà tổ chức một bữa tiệc nhỏ để nhớ về vị "ân nhân" chưa từng gặp mặt của mình. Tôi mong có nhiều người được cứu sống như tôi", ông Toại nói.
Có những cuộc đời tưởng chừng đã phải khép lại vì bạo bệnh, thế nhưng bằng một phép màu, họ đã được sống tiếp. Phép màu ấy được tạo nên từ sự cho đi của những người đã khuất, khi những trái tim, lá phổi... được hồi sinh ở một cơ thể khác.
Ông Nguyễn Xuân Toại khỏe mạnh sau 4 năm được phép phổi từ người hiến tạng - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sự cho đi vô giá Thời gian qua, những câu chuyện về người hiến mô, tạng sau khi chết/chết não đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Đó là câu chuyện của chàng trai Hà Nội hiến mô tạng sau khi chết não do tai nạn, hay câu chuyện của cụ bà 80 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời.
Dù việc hiến mô, tạng xảy ra ở hoàn cảnh nào cũng đều là nguồn sống vô cùng quý giá đối với những người cần ghép mô, tạng - những người đang cận kề "cửa tử".
Cuối tháng 8 vừa qua, chàng trai N.Đ.T. (32 tuổi, ở Hà Nội) không may gặp tai nạn nghiêm trọng . Dù đã được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, thế nhưng do chấn thương quá nặng, anh được bác sĩ chẩn đoán chết não.
Nén lại nỗi đau, gia đình anh T. đã đồng ý hiến mô tạng của người thân để cứu sống những người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng. Ngay trong đêm, hành trình mang trái tim của anh T. vượt cơn mưa dông ở Hà Nội để ghép cho một bệnh nhân đang chờ trên bàn mổ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Còn ở Hà Nội, lá gan của anh T. được ghép cho một bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Việt Đức. Hai quả thận ghép cho hai bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Xanh Pôn và giác mạc được ghép cho bệnh nhân mất thị lực hoàn toàn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nghĩa cử cao đẹp của gia đình ít nhất đã tiếp thêm sự sống cho năm người khác.
Cũng chỉ cách đây một tuần, hình ảnh người bác sĩ quân y nghẹn ngào ôm mẹ lần cuối sau khi thực hiện di nguyện cuối cùng của bà là hiến giác mạc, mang lại ánh sáng cho người khác. Vị bác sĩ quân y ấy cũng là một bác sĩ chuyên khoa mắt, còn mẹ của anh cũng công tác trong ngành y và là một dược sĩ.
Đôi mắt của bà đã thắp sáng cho hai người mù lòa khác để họ có thể nhìn thấy người thân, nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ đã thực hiện những ước mơ mà tưởng chừng không thể thực hiện được.
Nhờ sự cho đi vô giá ấy, có những người tưởng chừng đã phải ra đi vì bạo bệnh giờ đây lại tiếp tục được sống, được viết tiếp những ước mơ, hoài bão hay đơn giản được ở bên cạnh người thân lâu hơn.
Khi hiến mô tạng cứu người trở thành phong trào Người dân tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho đến nay vẫn nhắc đến cụ Nguyễn Thị Hoa - người đầu tiên hiến giác mạc sau khi qua đời vào năm 2007.
Từ một cụ bà nhỏ bé đã khơi dậy phong trào hiến giác mạc cho hàng trăm người khác, để giờ đây, những di nguyện cuối cùng của nhiều người dân ở Ninh Bình là được mang đến ánh sáng cho người khác.
Sau 17 năm, đến nay riêng tỉnh Ninh Bình đã có hơn 500 người hiến giác mạc và 3 người hiến tạng, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số người hiến giác mạc cũng như hiến tạng sau khi qua đời. Và cũng nhờ vậy mà hàng trăm người đã được thắp lên ánh sáng nhờ ghép giác mạc, hàng chục người được sống tiếp nhờ người hiến tạng.
Và dù Việt Nam vẫn còn nằm phía dưới bảng xếp hạng các quốc gia về hiến mô tạng sau khi qua đời, thế nhưng từ những câu chuyện truyền cảm hứng của người hiến mô tạng, hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng cho đi để "sự sống không vùi chôn dưới lòng đất".
Sao chép thành công