Nội dung liên quan Phường Lê Lợi, Thị Xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo Giáo dục & Thời đại,
Từ trang sách: Hà Nội kiên cường
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:07:42 07/10/2024
theo đường link
https://giaoducthoidai.vn/tu-trang-sach-ha-noi-kien-cuong-post703420.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Anh Sơn Theo dõi báo trên GD&TĐ - Đọc cuốn “Kì tích chống giặc ngoại xâm” độc giả có thể hiểu hơn lịch sử hào hùng, kiên cường đó của Thăng Long - Hà Nội. Minh họa/INT Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, ghi dấu những chiến công chống giặc ngoại xâm xuyên suốt chiều dài lịch sử. Đọc cuốn “Kì tích chống giặc ngoại xâm” độc giả có thể hiểu hơn lịch sử hào hùng, kiên cường đó của Thăng Long - Hà Nội. Nằm trong bộ sách “Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội” gồm 5 tác phẩm, cuốn sách mang đến cái nhìn tổng quát về lịch sử của vùng đất kinh kỳ. Bốn tác phẩm còn lại trong bộ sách cũng rất đáng để đón đọc khi lần lượt giới thiệu về việc phát hiện, xây dựng nên kinh đô muôn đời, kiến trúc tiêu biểu, cảnh sắc và những danh nhân tiêu biểu. Ngay từ bìa sách, người đọc như được xem thước phim tóm tắt lại quá trình giữ nước của cha ông. Từ hình tượng binh sĩ nhà Trần xăm hai chữ “Sát Thát” trong cuộc chiến với quân Nguyên đến hình ảnh 29 vạn quân Thanh bị thua thảm, từ người chiến sĩ ôm bom ba càng, sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đến cô gái tươi cười tưới hoa bên xác máy bay của quân xâm lược. Được trình bày theo lối hỏi - đáp rất khoa học, kết hợp cùng những hình ảnh minh họa sinh động, tác phẩm phù hợp cho mọi lứa tuổi trong việc theo dõi và tiếp thu những kiến thức bổ ích. Cuốn sách 'Kì tích chống giặc ngoại xâm' do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn. Câu hỏi đầu tiên: “Thăng Long - Hà Nội bao nhiêu lần chống giặc ngoại xâm trong lịch sử?” đã mở đầu tác phẩm và cũng là câu hỏi bao quát nhất về quá trình chống giặc ngoại xâm trên đất kinh kỳ. Trả lời cho câu hỏi này, nhóm tác giả đã nêu ra “kể từ khi vua Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long năm 1010 đến nay, người dân Thăng Long - Hà Nội đã mười lần đứng lên chống giặc ngoại xâm”. Tiếp nối, rất nhiều thông tin thú vị như “thời gian quân giặc chiếm kinh thành Thăng Long ngắn nhất là 11 ngày”, “bị chiếm đóng lâu nhất là thời kì Pháp thuộc: 57 năm” đang chờ được khám phá. Với lối trình bày theo mô-típ hỏi - đáp, tác phẩm tạo cho người đọc một cảm giác thích thú khi tự mình trả lời những câu hỏi trước khi nhìn đáp án để kiểm tra kết quả cũng như làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Các câu hỏi theo trình tự thời gian, từ bao quát đến cụ thể như: “Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên bảo vệ kinh thành Thăng Long diễn ra khi nào?”, “Phòng tuyến bảo vệ kinh thành Thăng Long được xây dựng như thế nào?”, vừa có tác dụng kích thích độc giả thưởng thức tác phẩm, vừa mang đến luồng kiến thức thông suốt và logic nhất. Kết thúc triều Lý với cuộc chiến chống quân Tống, độc giả được tìm hiểu thời đại nhà Trần cùng ba lần chiến thắng quân Nguyên bằng 7 câu hỏi. Những sự kiện, nhân vật tiêu biểu, chiến lược chiến đấu gắn với Thăng Long lần lượt được thể hiện, qua đó tô đậm chiến thắng oanh liệt của quân dân kinh thành trước quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời điểm bấy giờ. Sau mốc lịch sử chói lọi chống giặc ngoại xâm, nhà Trần dần suy yếu để rồi bị nhà Hồ thay thế trước khi nước ta bị quân Minh xâm lược. Trong thời kì đầy biến động này, Thăng Long đã đổi tên thành Đông Đô. Đây là một trong những nốt trầm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội khi suốt 20 năm bị quân Minh chiếm đóng, kinh đô một thời đã bị tàn phá nặng nề. Hình ảnh minh họa sống động trong trang sách. Ảnh: Anh Sơn. Cuối cùng, nghĩa quân Lam Sơn với sự chỉ huy của Lê Lợi đã giải phóng được đất nước, giúp cho Thăng Long phục hồi và tiếp tục chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Sau 4 câu hỏi gắn với cuộc chiến chống quân Minh xâm lược tại Đông Quan, người đọc sẽ tiếp tục đến với các câu hỏi về triều đại Tây Sơn cùng chiến thắng quét sạch 29 vạn quân Thanh. Bằng cuộc tiến công thần tốc và táo bạo chỉ bằng 5 ngày Tết, Thăng Long một lần nữa sạch bóng quân thù. Chiến thắng này không chỉ thể hiện tài năng của vua Quang Trung, mà còn thể hiện tinh thần chống giặc quyết liệt cũng như phong cách hào hoa của những người chiến sĩ Thăng Long. Tinh thần này vẫn tiếp tục được gìn giữ cũng như bộc lộ mạnh mẽ suốt thời kì Pháp thuộc và trong cuộc chiến với đế quốc Mĩ, khi Thăng Long - Hà Nội tiếp tục chứng kiến nhiều chiến thắng oanh liệt. Hai lần cả Hà Nội cùng đứng lên giữ thành, quyết hi sinh đến người cuối, cùng hai chiến thắng ở Cầu Giấy đã khiến cho quân Pháp kinh hồn bạt vía. Đó là khi “nhân dân Hà Nội đã tiến hành khởi nghĩa và hoàn toàn giành thắng lợi chỉ trong một ngày 19/8/1945” đem lại “ý nghĩa to lớn đối với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám”. Những chi tiết như: “Hà Nội vùng lên chiến đấu, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp”, “Nhân dân Thủ đô cũng đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia để các lực lượng chiến đấu có thể kín đáo di chuyển đánh địch một cách dễ dàng” cũng cho thấy lòng yêu nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm tại Thăng Long - Hà Nội. Khi Mỹ mang “pháo đài bay” B52 cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác tới Hà Nội để đánh phá với hàng trăm, nghìn lượt, quân dân Thủ đô tuy phải chịu những thiệt hại nặng nề về người và của vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường. Bức ảnh cô gái Thủ đô cười tươi tưới hoa bên xác máy bay của quân xâm lược ở cuối cuốn sách cũng cho thấy được tinh thần của người Hà Nội, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất mạnh mẽ khi đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương. Đọc “Kì tích chống giặc ngoại xâm”, người đọc có thể cảm nhận được truyền thống đánh giặc hào hùng của quân và dân Thủ đô đã được gìn giữ và tiếp nối qua hàng nghìn năm. Qua đó, thể hiện rằng người Thăng Long - Hà Nội không chỉ hào hoa mà cũng rất dũng cảm khi đứng lên bảo vệ quê hương.