và 1 tác giả khác
Với đề thi tham khảo tuyển sinh lớp 10 mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa công bố, nhiều chuyên gia khẳng định giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Một tiết học toán của học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 là kỳ thi đầu tiên các học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã công bố đề thi tham khảo tuyển sinh lớp 10 để giúp giáo viên, học sinh định hướng phương pháp dạy và học. Trong đó, đề thi tham khảo tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM có nhiều điểm mới so với đề thi những năm trước đây.
Môn văn: cần dạy học tích hợp kỹ năng Theo ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề thi tham khảo môn văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu kiểm tra khá toàn diện, độ bao phủ chương trình cao, đảm bảo tính phân hóa. Trong đó phần đọc hiểu chú ý cả ba loại văn bản trong chương trình (văn bản văn học, văn bản thông tin, văn bản nghị luận), phần viết có cả viết đoạn văn và viết bài văn.
Vì vậy, ThS Bảo Khôi cho rằng giáo viên cần tổ chức hoạt động rèn kỹ năng đọc hiểu cho học sinh, bao gồm cả văn bản đọc kết nối với chủ điểm và văn bản đọc mở rộng theo thể loại. Hoạt động này nên tính điểm kiểm tra thường xuyên để động viên, khuyến khích học sinh thực hiện.
Bên cạnh đó là tăng cường dạy học tích hợp kỹ năng, cụ thể là tích hợp dạy đọc với dạy viết, tạo cơ hội cho học sinh gia tăng kinh nghiệm xử lý tình huống, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
"Trên cơ sở bám vào yêu cầu cần đạt, kết hợp cùng việc tham khảo câu hỏi suy ngẫm và phản hồi trong sách giáo khoa, giáo viên cần xây dựng hệ thống các câu hỏi đọc hiểu theo thể loại để vừa triển khai trong công tác ra đề kiểm tra vừa có định hướng rèn kỹ năng đọc cho học sinh.
Khi dạy viết bài văn nghị luận văn học, ở bước thực hành viết, bên cạnh việc triển khai viết bài văn, giáo viên cần chú ý tổ chức hoạt động thực hành viết đoạn, xây dựng bảng kiểm cho đoạn văn nghị luận văn học để hỗ trợ học sinh ngày càng thuần thục kỹ năng" - ThS Bảo Khôi nói.
Về phía học sinh, để có thể làm tốt đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn, ThS Bảo Khôi khuyên các học sinh nên chủ động tìm đọc những tác phẩm văn học, bài viết trên sách báo, tạp chí... trên giấy và trên mạng Internet. Những tác phẩm này phải có cùng thể loại, tương tự về đề tài - chủ đề với những văn bản được học trong sách giáo khoa, phù hợp với lứa tuổi, nguồn tham khảo tin cậy... để rèn kỹ năng tự đọc.
"Các em cần hợp tác tốt với giáo viên trong tiết dạy, thực hiện nghiêm túc những bài tập vận dụng. Học sinh không nên xử lý theo hướng đối phó với những bài tập này mà hãy xem nó là những cơ hội để trau dồi, gia tăng kinh nghiệm liên quan đến kỹ năng, thao tác làm bài thi" - ThS Bảo Khôi đưa ra lời khuyên.
Môn tiếng Anh: yêu cầu vận dụng vào thực tế Theo thầy Trần Mạnh Cường - nguyên chuyên viên môn tiếng Anh Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, TP.HCM, đặc điểm nổi bật của đề thi tham khảo môn tiếng Anh là yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Thông qua các tình huống giao tiếp cụ thể, đề thi nhằm kiểm tra năng lực sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp... của thí sinh.
"Thật ra những yếu tố trên ít nhiều đã được đưa vào đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh những năm gần đây ở TP.HCM. Giáo viên đứng lớp cần thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng giúp học sinh sử dụng được ngôn ngữ này trong các tình huống thực tế" - thầy Cường nhấn mạnh.
Thầy Cường thông tin đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm 2025 sẽ có hai câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này nhằm khuyến khích học sinh sử dụng từ điển (bao gồm cả từ điển online) trong quá trình học để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.
"Thế nên bên cạnh việc cung cấp từ vựng cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm (với trình độ quy định hết lớp 9 là khoảng 800 - 1.000 từ cho 8 - 10 chủ đề) thì thầy cô giáo cần hướng dẫn, khuyến khích, kiểm tra để tạo cho học sinh thói quen sử dụng từ điển. Kỹ năng này nhằm mở rộng ngữ nghĩa của từ, học cách sử dụng từ. Phần này nên cho học sinh làm nhiều bài tập để học sinh rèn luyện.
Về phía học sinh, nhất thiết học phải đi đôi với hành. Đề thi có phần bài đọc - hiểu theo tình huống nên rất cần đọc nhiều, luyện tập nhiều để tránh những sai sót không đáng có" - thầy Cường lưu ý.
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 của TP.HCM - Ảnh: ANH KHÔI
Môn toán: bám sát yêu cầu cần đạt "Cách ra đề tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM là muốn học sinh học sâu các kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp theo đó là sử dụng các kiến thức đó để giải quyết bài toán thực tế diễn ra trong cuộc sống. Đề tuyển sinh lớp 10 tham khảo ở TP.HCM không đặt nặng về kiến thức hàn lâm.
Do đó, tôi cho rằng điều chính yếu là giáo viên phải dạy bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tránh đưa những kiến thức nằm ngoài chương trình" - một giáo viên môn toán của Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, nêu ý kiến.
Giáo viên trên phân tích: "Đề thi năm nay chỉ có bảy bài toán, so với đề thi năm trước giảm một bài. Như vậy là khá nhẹ nhàng, các em học sinh sẽ có thời gian nhiều hơn để hoàn thiện bài thi của mình.
Để làm tốt đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, các em học sinh nên chú trọng kỹ năng đọc, hiểu; quan sát các yếu tố, hình ảnh trong bài toán thực tế. Những bài toán này khá dài, nhiều thông tin nhưng luôn có các từ khóa liên quan tới kiến thức toán học. Cái chính là học sinh phát hiện ra và phải chuyển thể nó về biểu thức toán (là các dạng phương trình, hệ phương trình, bất phương trình hay toán thống kê và xác suất).
Về phần hình học, học sinh cần nắm kỹ và xâu chuỗi các kiến thức đã học từ lớp 7, 8, 9. Phần này đòi hỏi các em phải chịu khó làm bài tập, dành thời gian để rèn kỹ năng giải toán chính xác vì bài toán hình học chính là bài quyết định điểm cao trong môn thi này".
Dự kiến bốc thăm môn thi thứ ba Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gửi các sở giáo dục và đào tạo lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành.
Theo đó, với tuyển sinh lớp 10, bộ dự kiến đưa ra hai phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Phương thức xét tuyển là căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của các năm học cấp THCS. Phương thức thi tuyển gồm ba môn thi toán, ngữ văn và môn thi thứ ba được bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại của cấp THCS.
Thành phần tổ chức bốc thăm gồm lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, thanh tra sở giáo dục và đào tạo và các thành phần có liên quan khác do sở giáo dục và đào tạo mời.
Cần bám sát chương trình chứ không phải sách giáo khoa "Đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thực hiện đổi mới nhiều năm nay, thể hiện ở câu hỏi phần đọc - hiểu và nghị luận xã hội. Năm 2025, việc đổi mới sẽ tiếp tục thực hiện ở phần còn lại. Để đáp ứng việc đổi mới này, giáo viên cần bám sát chương trình chứ không phải sách giáo khoa.
Giáo viên đứng lớp cần dạy kỹ các đặc trưng thể loại của văn bản văn học, văn bản thông tin, văn bản nghị luận, những dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp với các dạng văn bản này và cách trả lời các câu hỏi ấy. Cần tránh lối truyền thụ chỉ chú trọng nội dung văn bản mà quên đi cách thức khám phá nội dung ấy. Đồng thời, giáo viên cần thường xuyên cho học sinh luyện tập viết đoạn văn nghị luận văn học và viết bài văn nghị luận theo các định hướng đã được nêu rõ trong chương trình.
Về phía học sinh, các em không thể chăm chăm vào cách học theo kiểu cũ: ghi nhớ nội dung cụ thể của các văn bản trong sách giáo khoa. Các em cần nắm vững đặc trưng của từng thể loại để đủ tri thức khám phá, giải mã những văn bản mới. Ở phần viết, các em cần có kỹ năng viết đoạn, viết bài. Có thể sử dụng phần tri thức kiểu bài và các bảng kiểm để kiểm tra, xem xét lại việc viết của mình nhằm hình thành và củng cố kỹ năng viết".
(Một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)