Báo điện tử VOV,

Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số Bình Định giảm bình quân 4,76%/năm

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 17:16:34 26/09/2024 theo đường link https://vov.vn/xa-hoi/ty-le-ho-ngheo-vung-dan-toc-thieu-so-binh-dinh-giam-binh-quan-476nam-post1124250.vov
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Sáng nay (26/9) tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã khai mạc Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024. Hơn 250 đại biểu đại diện cho hơn 47.700 đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định về dự Đại hội.
Tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là các dân tộc Chăm, Bana, Hrê. Những năm qua, các chính sách xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Bình Định đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định trình bày báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024.
Hệ thống chính sách, pháp luật của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện an sinh xã hội; mở rộng hơn quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc Đại hội.
Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân với tổng kinh phí hơn 1000 tỷ đồng. Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,76%/năm. Riêng huyện nghèo An Lão đã giảm bình quân 6,82%/năm. Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết:
“Chú trọng công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các huyện và cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội và sự tham gia của cộng đồng. Quan tâm xây dựng, tổ chức và bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết làm công tác giảm nghèo ở các cấp, đặc biệt cấp xã, thôn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2029 tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3 - 4%”.
Quang cảnh Đại hội.
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững", các đại biểu tham dự đại hội lần này đã đóng góp nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác, chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định có nhiều thay đổi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa bền vững; trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp còn lạc hậu, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị:
“Trong thời gian đến các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm chắc mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là các chính sách liên quan tới đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, kết quả thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ III đến nay cơ bản đều hoàn thành. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và hộ tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, trong các năm gần đây, do biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai mưa bão, hạn hán thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại đến tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại các địa phương.
Ông Y Thông đề nghị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định cần đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:
“Tỉnh Bình Định tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế -xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh”.
Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (thứ 3 từ phải sang) trao bằng khen của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2019 - 2024.
Tại Đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng 6 tập thể, cá nhân; trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc tặng 5 cá nhân.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng 26 Bằng khen cho 26 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2019 - 2024./.
Đại biểu tham dự Đại hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội.
Sao chép thành công