Báo điện tử Tổ Quốc,

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển phong phú và đa dạng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:05:17 07/10/2024 theo đường link https://toquoc.vn/van-hoc-nghe-thuat-cac-dan-toc-thieu-so-phat-trien-phong-phu-va-da-dang-20241006182102653.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Ngày 6/10, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - Thống nhất trong đa dạng” tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu. Báo cáo đề dẫn, ông Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, khẳng định “với tính đa dạng văn hóa vùng miền, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số mấy chục năm qua đã góp vào vườn hoa văn nghệ nước nhà những sắc màu không trộn lẫn”.
Theo ông Bình, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có những bước trưởng thành rất đáng tự hào, đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng đông đảo, phát triển nhanh trong các ngành nghệ thuật, văn học và mỹ thuật, đặc biệt là văn xuôi.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Thảo
Văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc riêng, đề tài rộng mở, từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác. Một số tác phẩm đã đi sâu vào khai thác thân phận con người dân tộc thiểu số và miền núi. Thể loại sáng tác phong phú và đa dạng hơn; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể hiện các thể loại như văn xuôi, lý luận phê bình và điện ảnh, tuy chưa đông đảo nhưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Đáng chú ý, ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông... và của nhiều dân tộc khác đã được biên soạn công phu và có giá trị cao, ra mắt bạn đọc.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam thông tin, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận 84 của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23.
Trong đó tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh Hội viên bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến,... góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng; tạo lực lượng trẻ làm nền tảng phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Tiết mục múa Chăm tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Đức Thảo
Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu tham dự cùng chung ý kiến, rằng trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà văn người dân tộc thiểu số là cần thiết để văn học Việt Nam tiếp tục phát triển phong phú và đa dạng. Nền văn học đa ngôn ngữ, chứa đựng đa giọng điệu và đa biểu đạt, hướng đến mục tiêu vì đất nước, vì dân tộc, tôn vinh những giá trị truyền thống chân - thiện - mỹ.
Nói về thành tựu của mỹ thuật, nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông Mã Thế Anh - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) khẳng định “văn hóa là con người, văn hóa là lịch sử và văn hóa chính là phát triển”.
Qua 50 năm đất nước thống nhất, với những đổi mới, những bước tiến xứng đáng được ghi nhận của văn học nghệ thuật các thiểu số ở Việt Nam. Lĩnh vực Mỹ thuật và Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có những kết quả tốt đẹp, đó là kết quả của một quá trình vượt mọi khó khăn, thách thức, thể hiện sự yêu nghề, thể hiện khát vọng sáng tạo và mong muốn được nâng cao vị thế, góp phần vào dòng chảy chung của sự phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tuy vậy, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói chung và Mỹ thuật và Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn trước những vận hội và thách thức mới. “Với bản chất luôn khát vọng vươn tới những đỉnh cao mới thì Mỹ thuật và Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số sẽ đạt được những thành tựu mới trong tương lai”, Cục trưởng Mã Thế Anh kỳ vọng./.
Đức Thảo
Sao chép thành công