Nội dung liên quan Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Báo Vnexpress,
Vì sao khách Thái Lan đến Việt Nam bằng 1/3 khách Việt đi Thái?
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
11:06:54 21/09/2024
theo đường link
https://vnexpress.net/vi-sao-khach-thai-lan-den-viet-nam-bang-1-3-khach-viet-di-thai-4794731.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Giá vé máy bay đến Việt Nam cao, ít chuyến bay thẳng và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ điểm đến Trung Quốc là những lý do giảm lượng khách Thái đến Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng đầu năm đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023. Khách từ nhiều thị trường ở châu Á ghi nhận tăng trưởng mạnh: Trung Quốc tăng 158%, Hàn Quốc tăng 32%, Indonesia tăng 100%, Philippines tăng 59%. Riêng thị trường Thái Lan giảm gần 15% với hơn 274.000 lượt khách ghé thăm trong 8 tháng đầu năm. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những thị trường gửi khách nhiều nhất đến Thái Lan, chỉ sau một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Lào. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho thấy trong 8 tháng đầu năm, gần 720.000 lượt khách Việt đến Thái Lan, cao gần gấp ba khách Thái sang Việt Nam. Tháng 7, khách Việt sang Thái đạt cao nhất, với hơn 116.000 lượt. Khách Thái Lan mặc áo dài Việt chụp ảnh. Ảnh: Cao Ngọc Sơn Chủ tịch Nguyễn Đông Giang của BKT Group, công ty du lịch có trụ sở chính tại Bangkok, cho biết mùa cao điểm du lịch khách Thái sang Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4. Theo kinh nghiệm tổ chức tour đưa khách Thái sang Việt Nam và ngược lại hơn 10 năm, ông Giang cho biết khách Thái giảm vì châu Á có nhiều địa điểm mới đang lên. "Năm nay khách Thái đổ xô đi Trung Quốc", ông Giang nói. Cao Ngọc Sơn, hướng dẫn viên 34 tuổi, chuyên dẫn khách Thái Lan, cho biết sau dịch, khách Thái sang Việt Nam rất đông. Nhưng từ cuối 2023 đến nay, anh Sơn nhận thấy lượng khách Thái giảm mạnh, "chỉ bằng một nửa khách Việt sang Thái". Thay vào đó, khách chuyển hướng sang Trung Quốc vì đây là tuyến điểm mới và không cần xin visa do từ tháng 3, hai nước này miễn thị thực song phương với nhau. Trong khi đó, Việt Nam là điểm đến "quá quen thuộc" với khách Thái và không có nhiều sản phẩm du lịch mới, nhiều khách đã sang Việt Nam 2-3 lần nên năm nay họ không đi lại nữa. Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết, khách Thái năm nay còn bị thu hút bởi các điểm đến Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia để có trải nghiệm mới mẻ, ưu đãi hấp dẫn hơn. Ngoài ra, giá vé máy bay tăng cũng có thể làm giảm lượng khách Thái đến Việt Nam. Theo anh Sơn, giá vé từ Thái đến Việt Nam năm nay cao hơn mọi năm 50-60% và ít chuyến bay thẳng. Hiện tại, đường bay Phuket đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam chưa mở lại. Khách Thái muốn đến Việt Nam sẽ phải bay nối chuyến tại Bangkok khiến thời gian di chuyển và chi phí tăng lên. Trong khi đó, Thái Lan - Trung Quốc có nhiều đường bay thẳng hơn, chi phí du lịch Trung Quốc chỉ đắt hơn Việt Nam 3-4 triệu đồng cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm. "Khách Thái chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam cũng là điều dễ hiểu", nam hướng dẫn viên nhận xét. Dù vậy, Thái Lan vẫn là một trong những thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, thường nằm trong top 10. Khách Thái thích đến Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, khi thời tiết mát mẻ. "Thời tiết Thái Lan nóng quanh năm nên họ thường đến Việt Nam vào mùa lạnh để có trải nghiệm mới", ông Giang của BKT Group cho biết. Theo hướng dẫn viên Cao Ngọc Sơn, khách Thái thường rất thích miền Trung Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng. Trung bình 10 đoàn khách Thái do anh dẫn tour thì có đến 9 đoàn sang Việt Nam đến thẳng Đà Nẵng , đoàn còn lại chọn Hà Nội, Sa Pa, Hạ Long hoặc các tỉnh miền Tây. Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông của Vietluxtour, khách Thái thường chọn các điểm đến ven biển hoặc nhiều thắng cảnh như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Hà Nội, TP HCM. Người xứ chùa Vàng cũng rất ấn tượng với ẩm thực, thời trang Việt Nam. Nhiều du khách Thái dành hai đến ba ngày để trải nghiệm foodtour tại Hà Nội, TP HCM. Họ cũng rất thích thú khi được mặc áo dài, đội nón lá để chụp chụp check in tại các điểm đến nổi tiếng như trung tâm phố cổ Hà Nội, chợ Bến Thành, kinh thành Huế. Khách Thái Lan đến Việt Nam du lịch dịp hè năm nay. Ảnh: Cao Ngọc Sơn Anh Sơn nhận xét khách Thái "dễ tính", thường đi du lịch theo nhóm đông, thích không gian phố cổ, chợ địa phương và những nơi sầm uất. "Họ thích những nơi nhộn nhịp", nam hướng dẫn viên nói. Chi tiêu của khách Thái vào khoảng 2-3 triệu một ngày, chưa tính mua sắm. Họ thích các đồ thủ công như nón lá, bánh kẹo của Việt Nam để về làm quà. Anh Sơn cho rằng điều đáng tiếc là hiện nay Việt Nam chưa có nhiều trung tâm mua sắm đủ lớn bán các mặt hàng mà khách Thái yêu thích. Phần lớn du khách vẫn phải mua tại các cửa hàng nhỏ, trong chợ nên chưa yên tâm về chất lượng sản phẩm, độ an toàn. Do đó, nếu muốn thu hút khách Thái chi tiêu mạnh tay hơn, Việt Nam nên có các trung tâm bán đồ lưu niệm, nông sản rộng rãi, đảm bảo uy tín để khách yên tâm mua sắm. Bên cạnh đó, Việt Nam nên đào tạo thêm nhân sự biết nói tiếng Thái để phục vụ tệp khách này. Hiện tại, đội ngũ hướng dẫn viên nói tiếng Thái tại miền Trung Việt Nam tạm đủ nhưng tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn thiếu. Nhiều đoàn khách phải thuê hướng dẫn viên nói tiếng Anh dẫn đến chưa thực sự hài lòng về chuyến đi. Phòng tránh và hạn chế tình trạng sạt lở đường tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng là một trong những cách hút khách Thái đến nhiều hơn. Theo anh Sơn, khách Thái rất thích không khí mát mẻ như Sa Pa nhưng lại e dè đến vì sợ khó khăn trong di chuyển. Theo bà Phương Hoàng, Việt Nam cần tạo thêm nhiều gói tour mới hấp dẫn cùng các dịch vụ đi kèm có giá cả cạnh tranh; đẩy mạnh chiến dịch marketing tại thị trường Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam nên chú trọng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội nhằm thu hút khách Thái đến trải nghiệm và đảm bảo cung cấp dịch vụ tại các điểm đến, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn cao. "Ngành du lịch Việt cũng cần thương thảo, hợp tác với các hãng hàng không để có nhiều chuyến bay thẳng, giá vé ưu đãi hơn", bà Hoàng nói. Phương Anh