Báo Tuổi Trẻ Online,

Việt Nam lên tiếng việc ngư dân bị Trung Quốc đánh, tịch thu tài sản tại quần đảo Hoàng Sa

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 09:03:53 03/10/2024 theo đường link https://tuoitre.vn/viet-nam-len-tieng-viec-ngu-dan-bi-trung-quoc-danh-tich-thu-tai-san-tai-quan-dao-hoang-sa-20241002202619802.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc, phản đối cách hành xử 'thô bạo' của Trung Quốc với ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, yêu cầu không tái diễn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp
Theo thông báo tối 2-10, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 29-9 vừa qua đã xảy ra việc lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:
"Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự".
Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm gồm hơn 30 đảo, rạn san hô, cồn cát và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Từ thế kỷ XVII, đã có những đội ngư binh Hoàng Sa do các chúa Nguyễn tổ chức ra khai thác, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống và đặt dưới sự quản lý của các chính quyền ở Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần tuyên bố rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa , trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và "được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai".
Sao chép thành công