Báo Nhân Dân,

Việt Nam và Mông Cổ vun đắp tình hữu nghị truyền thống

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:58:16 29/09/2024 theo đường link https://nhandan.vn/viet-nam-va-mong-co-vun-dap-tinh-huu-nghi-truyen-thong-post833737.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Năm 2024 đánh dấu mốc son kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước đã ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực, thực chất trong các lĩnh vực hợp tác song phương, nhất là trong an ninh, quốc phòng, công nghiệp, thương mại, văn hóa, du lịch và giáo dục.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam làm việc tại Bộ Kinh tế và Phát triển Mông Cổ. (Ảnh ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI MÔNG CỔ)
Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Các chuyến thăm tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2000 và 2008, cùng các chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ vào các năm 1994, 2005, 2013 và 2023 đã góp phần củng cố lòng tin chính trị và vun đắp cho sự phát triển của quan hệ song phương. Trải qua 70 năm, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ không ngừng được củng cố, ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Hiệp định hợp tác thương mại Việt Nam-Mông Cổ được ký năm 1996 góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương phát triển nhanh chóng trong những năm qua, từ mức hơn 6 triệu USD của năm 2008, đến năm 2023 đã đạt hơn 120 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang Mông Cổ gồm nông sản (gạo, cà-phê, phở, hoa quả sấy khô), bia, bánh kẹo, gia vị đóng gói, một số chủng loại tân dược, đồ gỗ gia dụng, linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc… Nhiều mặt hàng thế mạnh của Mông Cổ được xuất khẩu sang Việt Nam như thảm len lông cừu, các sản phẩm làm từ da, găng tay da... Kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD trong bảy tháng năm 2024 và còn nhiều dư địa để hai bên cùng thúc đẩy.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đặc biệt đánh giá cao vai trò của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật được thành lập năm 1979. Trải qua 18 kỳ họp, Ủy ban đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại.
Năm 2023, Việt Nam và Mông Cổ ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, khai thác tiềm năng du lịch, cũng như quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước. Theo Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam Galbaa Davkharbayar, trong những năm qua, số du khách Việt Nam đến thăm Mông Cổ và khách Mông Cổ đến với Việt Nam ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, song vẫn chưa thể hiện hết thế mạnh và tiềm năng to lớn về du lịch của cả hai bên. Năm 2023 có hơn 2.000 du khách Việt Nam thăm Mông Cổ và có hơn 15.000 du khách Mông Cổ đến Việt Nam.
Hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ được phát huy tốt những năm gần đây, trong đó, hai bên duy trì trao đổi đoàn lãnh đạo thành phố và các hội, đoàn, tổ chức trực thuộc. Đồng thời, hai nước đã thiết lập nhiều quan hệ hợp tác địa phương, như tỉnh Tuv và tỉnh Hòa Bình, tỉnh Orkhon với tỉnh Đắk Lắk.
Tại các diễn đàn khu vực và đa phương, hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, nổi bật là các hoạt động tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), ASEAN (ARF), UNESCO, Hội nghị quốc tế Đối thoại Ulan Bator về an ninh khu vực Đông Bắc Á, Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)…
Trải qua chặng đường 70 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ vốn dựa trên tinh thần hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau đã không ngừng phát triển. Với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam cùng Mông Cổ sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa ■
Sao chép thành công