Báo Quân đội Nhân dân,

Vĩnh biệt vị tướng đặc biệt của Trường Sơn huyền thoại

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:21:17 19/09/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/vinh-biet-vi-tuong-dac-biet-cua-truong-son-huyen-thoai-794964
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nửa đêm, tôi nhận tin nhắn của một thành viên Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ngày nào: “ Anh ơi, cụ Hy đi rồi”!
Tôi lặng người hồi lâu. Trong cuộc gặp mặt Bộ đội Trường Sơn mới đây tại hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức có mời tôi cùng giao lưu với ông. Mọi người công kênh ông lên sân khấu. Nhìn gương mặt vị tướng tuổi bách niên, tôi biết ông không còn ở với con cháu và những người lính Trường Sơn được bao lâu nữa…
Đối với tôi, những người đã từng hiến dâng cả đời mình “mở đường và khai thông Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh” đều là những con người vô cùng đặc biệt.
Bên cạnh các tên tuổi lớn: Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Tính, Võ Bẩm, Hoàng Thế Thiện, Lê Kích…, Thiếu tướng Phan Khắc Hy được Bộ đội Trường Sơn tôn vinh là vị tướng huyền thoại của Trường Sơn huyền thoại.
Phẩm chất huyền thoại ấy không chỉ bởi công lao đóng góp cho sự hình thành và phát triển của con đường quân sự chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà còn bởi cái tình mà Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã dành cho đồng đội - những người lính của ông và gia đình của họ.
Tôi nhớ lại, năm 2009, Báo SGGP phát động Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", chúng tôi đã mời ông tham gia tất cả các sự kiện liên quan đến chương trình này. Dù tuổi cao, sức khỏe không còn như trước, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn cùng chúng tôi có mặt từ điểm xuất quân cho đến những đỉnh núi mây mù chót vót của Trường Sơn - nơi chúng tôi xây dựng những công trình văn hóa dân sinh như: Bệnh xá quân dân y kết hợp, trường học, bản làng, đài tưởng niệm và Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn…
Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Ảnh tư liệu
Tôi nhớ mãi, đêm trước Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng dự lễ cầu siêu vào lúc nửa đêm. Nén nhang cong thay lời chào. Như có phép nhiệm màu, trong thời khắc thiêng liêng ấy, vị tướng già cảm thấy như những người lính của ông - liệt sĩ, đã trở về “trò chuyện” cùng ông… Đó là Chính trị viên Tiểu đoàn Cao xạ có tên là Hợp, đó là Đại đội trưởng Công binh có tên là Chiến, là cô gái Thanh niên xung phong có tên là Liên và cả cậu lái xe của ông đi cùng Chính ủy Đặng Tính đã ngã xuống trên đỉnh Trường Sơn năm nào.
Đêm ấy, tôi thấy ông xúc động lắm. Ông đi dọc bờ sông Long Đại. Ông "trò chuyện" cùng linh hồn các đồng đội.
Tổng kết Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", chúng tôi mời ông giao lưu với các cựu binh Trường Sơn. Không giấu được xúc động, ông ôm chầm lấy chúng tôi. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt vị tướng già. Ông nói: “Cảm ơn thật nhiều. Nếu chúng tôi mở Đường Trường Sơn thời chống Mỹ thì các bạn là những người góp phần làm sống lại con đường chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu”. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nói thế, chúng tôi không dám nhận. Chúng tôi cảm ơn ông và những người lính Trường Sơn. Chính ông và đồng đội đã cho chúng tôi cuộc sống hôm nay, để chúng tôi tiếp tục cống hiến vì đất nước…
Thiếu tướng Phan Khắc Hy (ở giữa) và tác giả (thứ hai, từ trái qua) cùng các thành viên Ban tổ chức Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn".
Năm 2013, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” khép lại, chúng tôi - những thành viên Ban tổ chức sự kiện này, không còn làm Báo SGGP nữa. Song chúng tôi vẫn thường xuyên gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Vì thế, chúng tôi hiểu thêm vị tướng cuối cùng của Trường Sơn huyền thoại.
Điều ấp ủ, như là nguyện vọng cuối cùng của cuộc đời ông là làm sao để đồng bào, đồng chí - những người đã sống và chiến đấu trên con đường chiến lược huyền thoại này - có cuộc sống ổn định. Và, còn điều này nữa: Làm sao thành lập được Hội Cựu chiến binh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ngay tại thành phố mang tên của Người.
Trong lần gặp gỡ cuối cùng mới đây, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn dặn: “Đồng chí nhớ giúp kết nối để sớm thành lập Hội CCB Bộ đội Trường Sơn TP Hồ Chí Minh nhé!”.
Nay nghe tin ông về với tổ tiên và đồng đội, tôi nhớ lại lời dặn dò cuối cùng ấy. Thắp nén hương, tôi thầm hứa với ông: “Ông ơi, ông hãy thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Chúng con mãi là người lính Trường Sơn của ông, sẽ đi tiếp con đường mà Bác Hồ cùng thế hệ cha ông, trong đó có các vị tướng huyền thoại Trường Sơn đã chọn".
Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN, guyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng Ban tổ chức Chương trình N ghĩa tình Trường Sơn - B áo SGGP
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công