Báo Nhân Dân,

Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn cho các khu công nghiệp

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:49:44 30/09/2024 theo đường link https://nhandan.vn/vinh-phuc-thao-go-kho-khan-cho-cac-khu-cong-nghiep-post833893.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) cũng như các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN tại Vĩnh Phúc mong muốn sớm triển khai các công tác liên quan đến nguồn lực đất đai như: quy hoạch sử dụng đất, mặt bằng, bồi thường, giao đất, định giá đất, giá thuê đất, đất san lấp... để giải phóng nguồn lực đất đai.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi về đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện 1.
Đây là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn của cả tỉnh để bảo đảm phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc đã quy hoạch phát triển 17 KCN với quy mô 3.142,96 ha. Tính bình quân mỗi KCN có quy mô 184,88 ha. Nhiều KCN còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nên phải giãn tiến độ.
Trong khi đó, một số KCN trúng đấu giá quyền sử dụng đất với giá cao như KCN Bá Thiện, dẫn đến giá thuê hạ tầng cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Nhiều năm thiếu đất san lấp
Đến nay, tổng diện tích đất đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 1.051,67 ha và diện tích chưa cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 437,5 ha. Tỷ lệ lấp đầy KCN mới đạt 44,62% và tính theo đất được giao là 70,62%.
Nguyên nhân do một số KCN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa được giao đất để triển khai dự án; chưa cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê; chưa bảo đảm hạ tầng; chủ đầu tư chưa muốn cho thuê.
Hầu hết các KCN đều gặp khó khăn về nguồn đất san nền. Cụ thể, KCN Sông Lô II cần khoảng 4 triệu m3, KCN Bình Xuyên II-giai đoạn hai cần khoảng 1,5 triệu m3, KCN Bình Xuyên cần 0,7 triệu m3; KCN Sơn Lôi cần 4,6 triệu m3.
Nhiều chủ đầu tư các KCN bức xúc phản ánh, gửi văn bản cho lãnh đạo tỉnh về vấn đề đất san nền. Doanh nghiệp lo lắng vì họ phải vay vốn ngân hàng trong khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp xếp hàng chờ thuê mà không có mặt bằng để giao. Trong khi đó, mua đất từ các tỉnh lân cận thì giá quá cao.
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho biết: Công ty rất sốt ruột vì có hơn 170 nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu để thuê đất tại dự án nhưng vướng mặt bằng.
Để san lấp mặt bằng, KCN Sông Lô II cần khoảng 4 triệu m3 nhưng không có nguồn cung cấp vì nhiều năm nay tỉnh không cấp phép khai thác mỏ đất mới. Công ty đã đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc được thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án, tuy nhiên đến nay chưa được giải quyết.
Về vấn đề này, ngày 30/8/2023, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản báo cáo về việc khai thác vật liệu san lấp công trình. Ngày 22/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đồng ý với phương án của Sở Xây dựng, tuy nhiên nội dung này vẫn chưa được triển khai.
Việc xác định giá đất cũng đang vướng mắc. Một số KCN đã được UBND tỉnh giao đất nhưng chưa xác định được giá đất thuê như: KCN Tam Dương I-khu vực 2, Sông Lô II, Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa khu vực 2, giai đoạn 1.
Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN và phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 130-150 USD/m2, có dự án hơn 170 USD/m2. Giá thuê nhà xưởng trong KCN bình quân khoảng 4-5 USD/m2/tháng, cao hơn mặt bằng chung một số tỉnh dẫn đến giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc.
Thiếu mặt bằng giao nhà đầu tư
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng KCN chậm, hầu hết phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ.
Có đến 13/17 KCN được thành lập có diện tích đất theo quy hoạch được duyệt nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được giao đất với diện tích 1.240,98 ha. Diện tích chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng tại huyện Bình Xuyên là 594,14 ha, tại huyện Vĩnh Tường là 203,26 ha; tại huyện Sông Lô là 190,26 ha.
Dự án KCN Sông Lô II vẫn còn 25 hộ dân gây cản trở thi công trên phần diện tích đã được giao đất và cấp phép xây dựng.
Dự án KCN SHI IP Tam Dương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như chưa thực hiện được việc xác định giá thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa được nhận giao đất đợt hai; còn một số hộ dân gây khó khăn.
Dự án KCN Bá Thiện II vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong vì còn vướng 13 hộ dân. Dự án KCN Sơn Lôi có nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư, song chưa có mặt bằng giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng.
Để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp.
Tháng 9/2024, lần đầu UBND tỉnh tổ chức hội nghị về phát triển bền vững KCN. Các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị phải khẩn trương xử lý việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất; nguồn đất san nền; xác định giá đất; quy hoạch xây dựng; phát triển thị trường lao động; thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn…
Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành và địa phương chậm nhất trong tháng 12/2024 phải hoàn thành đấu giá mỏ đất phục vụ san lấp mặt bằng KCN.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện hoàn thành việc xác định giá đất, hỗ trợ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện các dự án tái định cư để hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án; kết hợp giữa tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng.
Sao chép thành công