Nội dung liên quan Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo Dân Trí,
Vòng quay "căn hộ - cầu thang máy - trường học"
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
13:19:16 03/10/2024
theo đường link
https://dantri.com.vn/tam-diem/vong-quay-can-ho-cau-thang-may-truong-hoc-20241003064957354.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Các khu tập thể trước đây thường là những cụm nhà do nhà nước xây rồi phân cho cán bộ thuộc cơ quan nào đó. Tại Hà Nội, những khu tập thể nhỏ nằm rải rác trong các phố với vài chục căn cho cán bộ một cơ quan, khu lớn như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ… có quy mô vài chục dãy nhà 4-5 tầng, nhưng lại quy định dãy này thì phân cho cán bộ cơ quan A, dãy kia thì dành cho cán bộ cơ quan B. Chính vì lẽ đó mà mặc dù là những cư dân mới tinh của khu tập thể, nhưng vì cùng cơ quan nên không có ai là người lạ. Hơn nữa, cùng trong cảnh "thoát ly" khiến những cư dân mới tại các khu tập thể rất dễ đồng cảm và thân thiện với nhau, chưa kể nếu là đồng hương, mà lại đồng hương xã, đồng hương thôn thì thôi rồi, tình cảm với nhau không khác gì người ruột thịt một nhà. Thủa đó, có thể do tình hình xã hội không phức tạp như sau này, cũng có thể hầu hết "dân thoát ly" đều là viên chức, hoặc quân nhân với của nả lớn nhất của họ chỉ là quyển sổ gạo và mấy tờ tem phiếu thực phẩm, chất đốt nên chuyện "phòng gian bảo mật" rất sơ sài, qua quýt. Tổ hợp dự án nhà thương mại HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân) Ngày ấy, chuyện tụi trẻ con tan học về đi khắp hàng xóm hỏi xem ba mẹ gửi chìa khóa nhà nào là rất bình thường. Thủa chúng tôi còn nhỏ, cũng từ chuyện lấy chìa khóa mà kéo theo rất nhiều "hoạt động phụ" đáng yêu như tiện thể "ăn chực" bát cơm lúc mẹ chưa kịp về nấu, thậm chí, lắm đứa ngồi nhờ tí quạt máy mát quá rồi ngủ quên bên nhà hàng xóm tới lúc tối mịt mới mắt nhắm mắt mở xách cặp về nhà là chuyện rất bình thường. Còn chuyện trẻ con thì qua nhà có tivi xem nhờ, người lớn thì ngồi hút thuốc lá uống trà bàn chuyện Liên Xô, Trung Quốc, chuyện chiến sự trong Nam… ngoài sân khu tập thể trở thành thói quen của hầu hết gia đình. Dù có thể chênh lệch tí chút về thu nhập nhưng tiếng mâm bát, băm chặt đầy mong chờ sẽ đồng loạt vang lên từ các nhà khi tổ chức "ăn tươi" vào cuối tuần có lương! Sau này, người thì nghỉ hưu rồi rời về quê, người có điều kiện thì mua nhà chỗ khác để không còn phải chen chúc trong những khu tập thể cũ kỹ, hạ tầng thiếu thốn, nhưng cái nền "khu tập thể" đã khiến nhiều người, dù đã rời xa những khu tập thể ấm áp tình người đó nhiều năm, khi giới thiệu nhau với đối tác, bạn bè, chỉ với câu nói "thằng ấy ở khu A" hoặc "nhà nó cùng khu với tôi" đã như là một bảo chứng cho tư cách của người được giới thiệu. Khi những khu tập thể được thay thế bằng khu chung cư trong các khu đô thị hiện đại được xây dựng khoảng vài thập kỷ trở lại đây thì mối quan hệ kỳ diệu của các thành viên trong khu tập thể ngày xưa đã không còn nữa, như chính những cư dân này từng nhận xét, căn hộ khép kín đã dần "khép kín" các mối quan hệ hàng xóm. Nguyên nhân đầu tiên, có lẽ thay vì hàng xóm là những người cùng cơ quan, cùng đi từ một nơi, cùng đến một nơi thì nay khách mua nhà tại các khu chung cư, mỗi nhà một hoàn cảnh, kẻ có tiền mua căn rộng, hướng đẹp và đi xe hơi, người eo hẹp tài chính mua căn nhỏ, đi hai bánh. Và cũng vì mỗi người làm ở một cơ quan nên hướng đi khác nhau, giờ xuất phát không cùng mà giờ về cũng khác biệt, đã thế, bất kể căn hộ có diện tích thế nào đều có cấu trúc khép kín càng khiến cư dân ít có dịp nhìn thấy nhau. Thậm chí, sau hàng năm tính từ ngày nhập trạch, có người còn không biết tên hàng xóm chứ đừng kể đến "trích ngang"! Người lớn đã vậy, cơ hội tiếp xúc với bạn cùng khu của đám trẻ con còn hạn chế hơn rất nhiều. Đa số các con đều phải học bán trú, tức là sáng gật gà trên xe theo cha mẹ đến trường, tan học thì vật vờ tại sân trường đợi phụ huynh đến đón, khi về đến nhà đã là lúc nhọ mặt người. Nào có hết, thời gian thực hiện các hạng mục tắm rửa, vệ sinh và phụ giúp cha mẹ những công việc vặt trong nhà cho tới lúc hoàn tất bữa tối, thì đa phần chỉ còn vài giờ đồng hồ để "gánh" cho xong đống bài tập về nhà. Và ngày hôm sau lại giống như ngày hôm nay, cứ quanh quẩn theo một chu trình khép kín "căn hộ - cầu thang máy - trường học" đã làm cho bọn trẻ ngày càng khép kín trong căn hộ khép kín. Không những vậy, do hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu của các khu đô thị với hàng vạn nhân khẩu nên lũ trẻ nhiều đứa phải đi học "trái tuyến". Phàm đã là trái tuyến thì mức độ đóng góp khoản xây dựng trường mọi nơi đều như nhau, cha mẹ bọn trẻ đều ưu tiên lựa chọn trường gần cơ quan hoặc nằm trên tuyến đường đi làm của một trong hai người. Thế là, sau khi thực hiện "chu trình khép kín", thay vì những người bạn cùng khu tập thể như thủa trước, những người bạn ở trường ngày nay của chúng ở đâu, chúng không biết, có bố mẹ như thế nào, cha mẹ chúng không hay. Hệ quả là, mối quan hệ bạn cùng lớp vốn hời hợt không gốc rễ lại càng trở nên mờ nhạt hơn khi kết thúc năm học, bạn này chuyển sang học ở trường gần nhà hơn, bạn kia "kiếm" được suất vào trường điểm. Cứ như vậy, chỉ vài buổi thôi, những người bạn cùng lớp sẽ vĩnh viễn biến mất trong trí nhớ của đứa trẻ. Vậy còn ngày nghỉ của "những đứa trẻ khép kín" thì sao? Thông thường, nếu không phải tham gia các lớp học thêm và bố mẹ cũng được nghỉ, cả nhà sẽ tự thưởng cho mình một chầu ngủ muộn đã đời và nếu có điều kiện thì rủ nhau về quê, hoặc đi đến điểm vui chơi nào đó. Trong trường hợp không giải quyết được nhu cầu vi vu vì vắng cha mẹ, ưu tiên được chúng lựa chọn là chìm vào môi trường mạng với cơ man nào là trò chơi... Việc giải quyết nhu cầu ẩm thực sẽ trở nên vô cùng đơn giản bởi các nền tảng giao hàng trực tuyến! Không chỉ đỡ mất thời gian nấu nướng, bọn trẻ còn không cần quan tâm tới chuyện rửa bát, lau bàn khi chiếc túi nilon và thùng rác sẽ thay chúng dọn dẹp. Thế là, với "chu trình khép kín" hoàn hảo cùng những dịch vụ của thời hiện đại, bước đầu khiến bọn trẻ giảm giao tiếp, tiến tới không cần giao tiếp và cuối cùng là ngại giao tiếp, thậm chí, đối với một số trường hợp, giao tiếp còn trở thành hoạt động gây phiền hà, bởi hoạt động đó làm gián đoạn quá trình sống ảo trên mạng xã hội của chúng. Không hề nói quá rằng, sau nhiều năm sống khép kín trong căn hộ khép kín, rất nhiều đứa trở nên lơ ngơ, vụng về một cách rất đáng thương trong những tình huống giao tiếp thông thường. Nếu như theo quan niệm của UNESCO về kỹ năng sống, tức là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày của một cá nhân trong xã hội, thì rất nhiều những đứa trẻ trong các căn hộ khép kín nằm trong nhóm "thiếu" hoặc "yếu" kỹ năng sống. Còn theo quan niệm của Tổ chức Y tế thế giới WHO về kỹ năng sống, bọn trẻ đã không được trang bị những kỹ năng mang tính tâm lý xã hội và kỹ năng về giao tiếp được vận dụng hằng ngày để tương tác có hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày. Hàng xóm xưa - những người cùng chung cảnh tối lửa tắt đèn. Hàng xóm nay, thực sự chỉ là những người lạ sống ngay cạnh mình. Đây phải chăng là câu chuyện cần sự quan tâm của cả xã hội, chứ mỗi cá nhân, như tôi khi nhìn thấy vấn đề cũng chỉ thở dài mà không biết nên làm gì. Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng. Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!